Sáng ngày 14/12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ - CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Hơn 60% quốc gia để thị trường điều tiết cung – cầu kinh doanh xăng dầu. |
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, xăng dầu là mặt hàng thu hút được đông đảo doanh nghiệp (DN), người dân quan tâm, nên điều hành giá xăng dầu là vấn đề khó, cần cân bằng lợi ích, tính nhiều chiều. Giá cao thuận lợi cho DN nhưng còn ảnh hưởng tới lạm phát. Nếu giá thấp hơn chi phí kinh doanh thì DN không có động lực kinh doanh, gây đứt gãy nguồn cung. Đây là vấn đề lớn, tác động không bền vững cho thị trường xăng dầu.
Tìm hiểu các nước, ông Tuấn cho rằng quản lý xăng dầu cũng không hề dễ dàng. Nhiều nước, giá xăng dầu có sự can thiệp của Nhà nước ở mức độ khác nhau, có quốc gia áp giá trần, có quốc gia Nhà nước dùng công cụ thuế, phí, dùng kho dự trữ... nhưng cũng có quốc gia chỉ DN nhà nước được kinh doanh.
Đáng chú ý, ông Tuấn dẫn thống kê trên thế giới cho thấy hơn 60% quốc gia để thị trường điều tiết cung – cầu kinh doanh xăng dầu. Theo Phó Tổng thư ký VCCI, sửa Nghị định kinh doanh tác động tới hàng chục ngàn doanh nghiệp trong chuỗi. Rõ ràng, cần nhất quán quan điểm về tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch, đáp ứng yêu cầu của DN, nhà nước.
"Mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế. Thời gian qua, cơ quan quản lý xử lý nghiêm cây xăng đóng cửa thì chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài phải có giải pháp khác. Mệnh lệnh hành chính không bền vững bằng thị trường, làm sao DN phải kinh doanh bền vững", ông Tuấn dẫn câu chuyện của DN kể rằng trong lịch sử hơn 20 năm kinh doanh, chưa bao giờ phải bỏ tiền túi ra lấy hàng về bán mà vẫn lỗ, đây là điều không bình thường.
Đại diện đơn vị soạn thảo Nghị định, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đặt vấn đề làm thế nào để sửa nghị định kinh doanh xăng dầu phù hợp với bối cảnh quốc tế, trong nước, sát với biến động thị trường, đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước, tạo động lực cho cộng đồng DN phát triển, hài hòa lợi ích của DN, Nhà nước, người dân.
Theo ông Đông, xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, đầu vào quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu kiểm soát CPI… Xăng dầu nhận được sự quan tâm của người dân trong việc điều hành. Với Việt nam, xăng dầu ngoài đáp ứng chất lượng, an ninh năng lượng, thì công tác điều hành phải đáp ứng, giải quyết lo lắng kiểm soát CPI, đảm bảo nguồn cung.
Quản lý xăng dầu luôn gắn với bài toán cạnh tranh, do vậy Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đặt vấn đề sẽ tính toán "bàn tay" Nhà nước đến đâu, cũng như nguồn lực của Nhà nước dành cho mục tiêu kiểm soát, đảm bảo quản lý về xăng dầu, tính toán hài hòa phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế đất nước.
Theo đó, ông Đông cho rằng việc sửa đổi chính sách trong Nghị định phải có tính dài hơi, tuân thủ quy luật khách quan, không chạy theo vấn đề hiện tượng, cá biệt.
Lê Thúy