Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Đồng Nai kiến nghị tại Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ - CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu diễn ra sáng ngày 14/2, quản lý việc kinh doanh xăng dầu cần xuyên suốt từ doanh nghiệp nhập khẩu, thương nhân phân phối đến doanh nghiệp bán lẻ.
Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Đồng Nai. |
Ông Phụng đề nghị, khi sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 nên đặt ngược vấn đề, tại sao trước đại dịch, thị trường xăng dầu hoạt động bình thường? Sau 2 năm dịch bệnh, tình hình thế giới bất ổn đã bộc lộ hạn chế của chính sách điều hành và cần nhìn nhận hạn chế này để sửa đổi.
“Một cây xăng có tới 8 sở, ban, ngành điều chỉnh. Điều lạ là chúng tôi lỗ phải bán nhưng không được quyền ra giá mà do người khác ra giá. Nếu định hướng tới thị trường, khi nhu cầu cung cầu biến động liên tục cần phải có điều chỉnh. Ban soạn thảo nên lắng nghe, chắt lọc điều doanh nghiệp kiến nghị để điều chỉnh hợp lý nhằm giúp doanh nghiệp có thể sống, phát triển và đóng góp”, ông Phụng kiến nghị.
Theo ông Phụng, trước đây, doanh nghiệp bán lẻ được mua nhiều đầu mối nhưng bây giờ chỉ được mua ở 1 đầu mối. Các thương nhân trước đây được mua, giờ không được mua và là một trong những nguyên nhân khiến đứt gãy nguồn cung như vừa qua.
Từ thực tế này, ông Phụng đề nghị dự thảo sửa đổi Nghị định 95, doanh nghiệp được lấy nhiều đầu mối. Đồng thời, ông Phụng kiến nghị chu kỳ thay đổi giá thay đổi, kéo dài thành 15 ngày như trước đây.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Trung Dũng, Công ty Cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ (Công ty APP), cho rằng nên quay lại thời gian điều hành giá xăng dầu 15 ngày/lần, bởi điều hành 7 ngày/1 lần như hiện nay đang có những bất cập, nhất là khi lùi thời gian điều hành giá do trùng vào ngày nghỉ, lễ, Tết.
Sau khi lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/NĐ-CP và Nghị định 95/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đã tổng hợp ý kiến và xây dựng Dự thảo Tờ trình (lần 2) gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Dự thảo Tờ trình, thời gian điều hành giá xăng dầu được đề xuất sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu từ 10 ngày xuống mức 7 ngày, thời gian điều hành giá xăng dầu vào ngày thứ 5 hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ.
Trường hợp ngày thứ 5 trùng vào những ngày từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 1 âm lịch, kỳ điều hành sẽ được chuyển đến ngày mùng 4 tháng 1 âm lịch. Trong giai đoạn giữa 2 kỳ điều hành, nếu giá cơ sở có biến động tăng trên 5%, Liên Bộ Công thương - Tài chính sẽ thực hiện điều hành giá.
Lý do chọn được Bộ Công thương đưa ra là nhằm bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới, việc điều hành sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh những việc giá có biến động lớn trong những dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Thy Lê