Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc 11 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 11,3 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Hàng nghìn xe hàng vẫn ùn tắc ở biên giới. |
Tại tỉnh Lạng Sơn, mặc dù chỉ có 4/12 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động nhưng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt hơn 1,2 tỷ USD (tăng 10% so với cùng kỳ).
Tình hình ùn tắc tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn: Tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng ngày 25/12/2021 là 4.204 xe (so với 4.329 xe tồn tại thời điểm sáng ngày 24/12/2021, lượng tồn đã giảm 125 xe).
Tại Quảng Ninh, tính đến hết ngày 24/12/2021, lượng hàng nông sản, hoa quả, thủy sản xuất khẩu còn tồn là 1.678 container.
Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét có các chính sách ưu đãi đặc thù, ưu tiên ngân sách Nhà nước theo kiến nghị của địa phương khu vực biên giới cho phòng chống dịch COVID-19 (khử khẩn, kiểm tra, tiêm vắc xin), hỗ trợ địa phương đầu tư hạ tầng cửa khẩu, kho, bãi, trung tâm trung chuyển, logistics, bảo quản nông sản tại các cửa khẩu.
Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, khảo sát, thiết lập vùng đệm đối với hàng hóa trao đổi với Trung Quốc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh COVID-19 tại khu vực vùng đệm nhằm phát hiện sớm và cách ly người/hàng hóa mắc COVID-19 ngay tại đầu vùng đệm, không để phát hiện ở điểm giáp biên giới dẫn đến “đóng biên tức thời”.
Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đàm phán, kiến nghị với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu, nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng, đơn vị tại cửa khẩu phía Trung Quốc như: hải quan, kiểm dịch, doanh nghiệp dịch vụ vận tải nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Đề nghị Bộ Ngoại giao đàm phán, trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc đảm bảo việc thực hiện theo đúng Hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước đã ký kết để hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định. Trường hợp khi có thay đổi về chính sách đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cần thông báo ít nhất 10 ngày trước khi áp dụng để phía Việt Nam có thời gian chuẩn bị.
Các Hiệp hội chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thông tin, định hướng thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong công tác đăng ký vùng trồng, cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, nhất là kịp thời phổ biến tới doanh nghiệp về tình hình thông tin thị trường.
Nhật Linh