Mở đầu cuộc họp báo, ông Cẩm cho biết, Trung Quốc nhập khẩu nông sản từ nhiều nước, trong đó nguồn hàng từ Việt Nam là rất lớn. Việc ùn ứ quy mô nhỏ, hàng năm đều có. Song chính vì COVID-19, việc ùn ứ phát sinh nghiêm trọng. "Trong ấn tượng của tôi, đây là lần ùn tắc nghiêm trọng nhất", ông Cẩm cho biết.
Lạng Sơn cần dành thêm quỹ đất, thành lập các bãi đỗ xe, giảm áp lực về lưu lượng xe lên biên giới. |
Ông Cẩm nói thêm rằng, các nước xuất khẩu nông sản khác ít có biên giới đường bộ với Trung Quốc nhiều như Việt Nam. Các quốc gia này đi đường biển, đường không. Theo thông tin của đại diện Sứ quán Trung Quốc, hiện còn khoảng 2.500 xe container đang ùn ứ tại thành phố Bằng Tường, thành phố Sùng Tả, khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây. Tổng lượng xe ùn tắc ở hai bên là khoảng 6.000 xe.
"Lãnh đạo hai nước rất quan tâm đến vấn đề này. Đại Sứ quán chúng tôi rất lo lắng, tìm giải pháp tháo gỡ. Tôi nhớ trước khi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam thăm Trung Quốc, đồng chí Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á của đơn vị này cũng đã gọi điện cho tôi, nói rằng vấn đề này đang được quan tâm. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nói với tôi nội dung này" ông Hồ Tỏa Cẩm cho hay.
Theo Tham tán Hồ Tỏa Cẩm, hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đang rất lưu ý đến việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, yêu cầu các cơ quan có liên quan, các địa phương tại Trung Quốc khẩn trương tìm giải pháp tháo gỡ.
"Những ngày qua, Bí thư tỉnh Quảng Tây, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng gọi điện cho đại sứ quán, đề nghị phối hợp tìm giải pháp thông quan hàng hóa", ông Cẩm thông tin.
Tuy nhiên, Đại diện Đại Sứ quán Trung Quốc cho biết, chính sách của nước này là Zero COVID. "Chúng tôi có 1,4 tỷ dân, nếu sống chung với COVID thì dễ vỡ trận. Chúng tôi không dám tưởng tượng đến hậu quả. Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách này, bởi nếu sống chung với COVID thì có khả năng là không kiểm soát được".
Việc ùn ứ nghiêm trọng những ngày qua, theo ông Cẩm, một phần do tối 17/12, một tài xế Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Chính quyền thành phố Bằng Tường đã và đang triển khai các biện pháp phòng dịch, lưu ý tới việc tranh thủ thời gian để không làm ảnh hưởng lưu thông hàng hóa.
"Tôi nghĩ chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã làm rất tốt, trong việc thông báo tới doanh nghiệp và các địa phương khác. Tuy nhiên, do đây đang là vụ thu hoạch nên cũng khó giải quyết triệt để. Tôi cũng lưu ý rằng Đại sứ quán chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc các cảng biển miền Nam của Trung Quốc sẽ nghỉ 14 ngày hay 60 ngày", Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết.
Cũng theo lời ông Hồ Tỏa Cẩm, việc ùn ứ tại cửa khẩu đã gây nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản. "Hiện có 9 loại mặt hàng đã xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Số lượng này lẽ ra tăng thêm, nhưng vì dịch COVID-19, tiến trình đàm phán Nghị định thư bị đình trệ", ông Hồ Tỏa Cẩm thông tin.
“Về chanh leo, ớt, khoai lang, sầu riêng, tôi đề nghị Bộ NN&PTNT Việt Nam nghiên cứu làm việc trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Chúng ta cần có giải pháp thích ứng trong thời gian dịch bệnh”, tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, các cửa khẩu đường bộ tại Lạng Sơn, hiện duy nhất còn cửa khẩu Hữu Nghị còn thông quan. Theo số liệu của Ban quản lý cửa khẩu, số lượng thông quan xe mỗi ngày hiện giữ ở mức 90-100 xe, bằng khoảng một phần năm so với công suất trước đây. Trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ nghiên cứu phương án để đưa việc giao thương với Trung Quốc thông suốt trở lại.
Về phía Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Lạng Sơn ứng dụng các công nghệ số, chuyển đổi số để kết nối thông tin hai chiều giữa tỉnh với doanh nghiệp sản xuất tại nhiều địa phương.
Ngoài ra, theo lời Thứ trưởng Trần Thanh Nam, quy định về số lượng xe lên cửa khẩu mỗi ngày là không khả thi vào thời điểm này. Bởi lẽ, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, nông sản có tính mùa vụ, và có thời gian bảo quản trong thời gian cố định. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh đã ký hợp đồng với phía Trung Quốc, trong đó có quy định cụ thể về thời gian giao, nhận hàng tại cửa khẩu.
Giải pháp trước mắt mà Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra là Lạng Sơn dành thêm quỹ đất, thành lập các bãi đỗ xe, giảm áp lực về lưu lượng xe lên biên giới.
Thy Lê