Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn thế giới và Việt Nam với chủng Delta nguy hiểm lây lan nhanh, mới đây xuất hiện thêm chủng Omicron, kinh tế Việt Nam đã vượt qua những khó khăn để đảm bảo các chỉ tiêu như ổn định kinh tế vĩ mô, thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, tăng trưởng kinh tế dương....
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp 2021. |
Trong thành tích chung của đất nước, Thủ tướng đánh giá có sự đóng góp quan trọng của ngành nông nghiệp. Nhấn mạnh nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực và nông thôn là nền tảng, ngành nông nghiệp đã chuyển hướng sang phát triển dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt gần 50 tỷ USD, Người đứng đầu Chính phủ đánh giá đây là sản phẩm của Việt Nam. Ngành nông nghiệp xuất khẩu đã tạo được công ăn việc làm cho nông dân, đời sống vật chất tinh thần của người nông dân ngày càng được nâng cao, nhiều nông dân biết làm giàu từ bàn tay, khối óc, đất đai của mình.
Thủ tướng cho rằng thành công trên đạt được là do ngành nông nghiệp bám sát tình hình thực tiễn, chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện các giải pháp; đồng thời có nhiều đổi mới, sáng tạo để nâng tầm giá trị của ngành qua các thời kỳ.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề như ngành nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh; chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng của ngành mà vẫn còn thụ động, phụ thuộc thị trường, thời tiết, điều kiện khác; công tác dự báo về thị trường, biến đổi khí hậu còn những mặt hạn chế.
Đồng thời, ngành nông nghiệp phát triển chưa bền vững, chưa dựa nhiều về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Ngành cũng chưa chủ động phát triển, thích ứng linh hoạt với diễn biến mới.
"Xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc vào một số thị trường, nếu họ thay đổi thì chúng ta lúng túng, bị động. Hay một số sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mang tính quốc tế", Thủ tướng dẫn chứng như nói đến hoa tulip thì người ta nghĩ tới Hà Lan; hay cà phê thì nghĩ tới Brazil.
Lo ngại hơn, Người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề: Tại sao mỗi năm chúng ta xuất khẩu gạo được 3 tỷ USD nhưng lại nhập khẩu ngô, đậu tương... tới 7-8 tỷ USD. Việt Nam là đất nước nông nghiệp thì phải giải quyết tốt bài toán này.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp cần có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút đầu tư. Hiện, đời sống của một bộ phận nông dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo còn khó khăn. Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân, hạn chế, khắc phục trong năm 2022.
Bước sang năm 2022, Thủ tướng yêu cầu ngành phải xác định rằng sẽ khó hơn 2021 nên cần tập trung chọn việc, chọn vấn đề, cân đối nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu như xuất khẩu phải đạt hơn 50 tỷ USD.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trước hết phải đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm. Nâng cao năng lực chế biến "như sâm của Hàn Quốc - người ta làm ra bao nhiêu sản phẩm", Thủ tướng dẫn chứng và yêu cầu muốn đẩy mạnh chế biến thì phải sản xuất lớn mà muốn sản xuất lớn thì phải quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch sản phẩm gắn với khoa học công nghệ.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chính ngạch gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã, thương hiệu. Từ bài học tồn đọng hàng nghìn xe hàng ở cửa khẩu biên giới, Thủ tướng đặt câu hỏi: Vì sao năm nào cũng xảy ra vấn đề khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, năm thì thanh long, năm thì dưa hấu. Nếu sản phẩm của chúng ta đạt chất lượng thì không ai cấm được, còn cứ đi đường mòn lối mở thì rất nguy hiểm.
"Mở container ra thấy quả mít được bọc từ mấy gói giấy, thì đó không phải là nông nghiệp hiện đại, dẫn đến chúng ta phải đi tiểu ngạch", Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành nông nghiệp phải chủ động nâng cao chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, năm 2021, giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp tăng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỷ USD, có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su).
Năm 2021, thành lập mới 1.250 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 78 liên hiệp HTX nông nghiệp, 19.100 HTX nông nghiệp; thành lập mới và quay trở lại hoạt động 1.640 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 14.000 doanh nghiệp nông nghiệp.
Lê Thúy