Khi đặt vấn đề làm thế nào để các DN dệt may tiết giảm chi phí khi “sống chung” với Covid-19 vào thời điểm cuối năm này để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đã đặc biệt lưu ý các giải pháp về logistics.
Chủ động kéo giảm chi phí logistics
Theo đó, các DN sẽ cần có một kế hoạch chi tiết về giao hàng từ đầu cho đến…chân, tức là cho đến khi xuất hàng đi. Để giao hàng đúng hạn đòi hỏi các DN phải chủ động nhằm tránh những tác động có thể gây ra những chi phí trong quá trình thực hiện.
Việc đội nhiều chi phí khiến cho các DN đang thiếu hụt nghiêm trọng dòng tiền để trang trải các khoản chi nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. |
Bà Mai khuyến nghị các DN cần sử dụng nhà cung cấp đa nhiệm. Tức là DN cần làm việc với những nhà cung ứng có thể cung cấp nhiều dịch vụ hoặc hàng hoá cho chuỗi cung ứng. Với những nhà cung ứng đa nhiệm sẽ giúp DN giảm thời gian, chi phí.
“DN cần có kế hoạch dự phòng, nếu nhà cung cấp không có đối thủ cạnh tranh thì họ sẽ có xu hướng tăng giá. Nhưng khi DN có nhiều nhà cung cấp, việc sản xuất sẽ không bị gián đoạn nếu một trong các nhà cung cấp ngưng hoạt động hoặc là không đạt được thoả thuận với nhà cung cấp muốn tăng giá”, vị phó tổng thư ký của Vitas nhấn mạnh.
Tức là DN cần có kế hoạch dự phòng để chủ động hơn. Ngoài ra, việc vận hành tinh gọn của DN không chỉ trong quá trình sản xuất mà ngay cả ở việc vận hành lượng hàng tồn kho nguyên phụ liệu.
Ngoài ra, các DN Việt cần dự báo đúng nhu cầu và lượng mua của khách hàng. Việc này dẫu không dễ thực hiện nhưng đó chính là một trong những giải pháp để các DN cắt giảm chi phí hiệu quả.
Mặt khác, trong thời đại số các DN cũng sử dụng nhiều Platform (nền tảng). Tuy nhiên, như lời khuyên từ giới chuyên gia thì nên sử dụng một nền tảng duy nhất để giúp DN giảm sai sót, hạn chế việc thiếu thông tin hay các hoạt động trùng lặp.
Chính những điều này giúp DN tiết kiệm thời gian và tiết kiệm cả tiền bạc. Nhất là cần thường xuyên theo dõi nhu cầu của DN trong cả năm, theo dõi các dự án, đơn hàng trên thực tế cho đến khi có một phương án tối ưu nhất về nhu cầu của mình với chi phí thấp nhất.
Đặc biệt, đối với các DN vừa và nhỏ có thể không đủ ngân sách để đầu tư một đội ngũ cung ứng chuyên nghiệp tại công ty. Cho nên, các DN nên thuê ngoài để từ đó tập trung hơn vào khâu sản xuất và nhường lại công việc logistics cho những công ty chuyên cung cấp dịch vụ này với chi phí thấp hơn và cũng hạn chế được những lỗi trong quá trình hoạt động logistics.
Bên cạnh đó, để có thể kéo giảm chi phí cho DN trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, bà Mai cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có quyết sách phát triển vận chuyển đường biển thương hiệu Việt Nam. Cụ thể là phát triển đội tàu container lớn kinh doanh tuyến xa, đi châu Mỹ, châu Âu...
Giảm thuế VAT đúng nhưng chưa đủ
Có thể nói, cùng với chi phí logistics thì việc đội nhiều chi phí khác khiến cho các DN đang thiếu hụt nghiêm trọng dòng tiền để trang trải các khoản chi nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất. Trong khi đó, mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực từ miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi suất… nhằm giúp các DN tiết giảm chi phí để hồi phục sản xuất, thế nhưng các chính sách này được cho là còn thiếu đồng bộ, bất cập.
Như phía DN dệt may vẫn đang bày tỏ mối băn khoăn về quy định nộp thuế Giá trị gia tăng (VAT) đối với DN sử dụng vải trong nước để may XK và thuế VAT cho hàng dệt may XK tại chỗ.
Với Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ban hành hồi tháng 10/2021 về hướng dẫn chính sách miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế VAT, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp Tp.HCM (HBA), cho rằng chính sách này là “điểm son” mà nhiều DN mong đợi.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Hiến tại một toạ đàm trực tuyến vào ngày 14/12 để bàn về “phác đồ” hồi phục cho DN, qua thực tế thì đây là vấn đề cần phải quan tâm hơn. Đơn cử như giảm thuế VAT, khi đưa ra chính sách giảm 30% cho các DN dịch vụ, dù là chính sách đúng nhưng chưa đủ.
Bởi lẽ, như lưu ý của ông Hiến, cơ cấu nền kinh tế không phải chỉ riêng mảng dịch vụ mặc dù đây là lĩnh vực chịu thiệt hại nhiều nhất trong 2 năm trở lại đây. Cần thấy rằng, cơ cấu kinh tế mỗi năm mỗi thay đổi, nhất là trong năm 2021 này mảng chính trong GDP là công nghiệp và xây dựng lại chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Do đó, vị phó chủ tịch HBA khuyến nghị cần cân nhắc theo từng giai đoạn để đưa ra các quyết sách, đặc biệt là vấn đề miễn giảm thuế VAT. Nếu như chỉ giảm cho mảng dịch vụ là chưa đủ. Thêm nữa, việc chỉ giảm trong 3 tháng (tháng 10, 11, 12/2021) cũng chưa đủ.
“Bởi vì thời gian quá ngắn để các DN có thể phục hồi được, chưa nói là quay trở lại hoạt động ổn định. Chuyện chưa đủ còn thể hiện ở mức giảm thuế VAT 30% là quá ít. Tôi nghĩ nên có một lộ trình giảm thuế VAT ở mức 50% có thể là trong 6 tháng, rồi sau đó giảm ở mức 30% trong 6 tháng tiếp sau đó”, ông Hiến đề xuất.
Thế Vinh