Minh chứng cho chiến lược mở rộng thị trường nội địa thay vì chăm chăm xuất khẩu có thể kể đến các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở tỉnh Đồng Nai. Trong vòng 10 tháng qua, hơn 36% sản lượng hàng hoá của khối này đã tiêu thụ ngay tại thị trường Việt Nam, tương đương hơn 6,5 tỷ USD, tăng gần 7% so cùng kỳ năm trước.
Chủ động hơn với nguyên vật liệu trong nước
Điều này được cho là có tác động của từ dịch Covid-19 dẫn đến việc các DN FDI nhắm đến mở rộng kênh tiêu thụ ở Việt Nam và chủ động tìm nguồn nguyên phụ liệu trong nước để phần nào khắc phục những khó khăn trong việc nhập khẩu (NK).
Có không ít doanh nghiệp FDI đang chủ động tìm nguồn nguyên phụ liệu ở Việt Nam thay vì nhập khẩu và mở rộng kênh tiêu thụ ngay thị trường nội địa. |
Không những vậy, chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng khuyến khích việc kết nối giữa DN FDI với nhau và với DN nội trong tỉnh để cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau.
Qua đó có thể giúp nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm để khi xuất khẩu dễ dàng hưởng các ưu đãi về thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do, và cũng để giảm nhập siêu và tăng xuất siêu.
Đặc biệt trong bối cảnh tính chung 10 tháng đầu năm nay, theo Bộ Công Thương, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước ước nhập siêu 1,45 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,7 tỷ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,28 tỷ USD.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu trong 10 tháng năm 2021, như lý giải của Bộ Công Thương, là do kinh tế thế giới phục hồi nên nhu cầu tăng, các DN trong nước đã tăng NK nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất.
Không những vậy, giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá NK nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch NK của Việt Nam. Ngoài ra, có thể đến việc giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá NK, trong khi XK lại giảm tốc từ tháng 6/2021 do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Điển hình như kim ngạch của nhóm hàng cần NK trong 10 tháng qua đã ước đạt 239,32 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 88,8% tổng kim ngạch NK của cả nước.
Nhìn vào các số liệu NK mới thấy việc chuyển hướng trong chiến lược tìm nguồn cung nguyên phụ liệu ngay tại Việt Nam và mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa như các doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai đang làm là điều mà các DN trong nước cần lưu tâm.
Bởi lẽ, phía khối ngoại đã xác định rõ rằng nếu có được nguồn nguyên liệu trong nước sẽ chủ động hơn trong sản xuất. Còn hàng hoá của họ khi được chú trọng tiêu thụ nội địa không chỉ giúp tăng thị phần ở Việt Nam mà còn có thể giúp DN Việt giảm được chi phí với nguồn cung ngay trên “sân nhà” thay vì loay hoay với NK.
Kỳ vọng hình thành chuỗi cung ứng trên "sân nhà"
Điều đáng nói, có nhiều DN trong nước đang sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, trong khi đó là nguyên liệu mà các doanh nghiệp FDI lại rất cần (đơn cử như trong ngành dệt may). Bất cập thấy rõ là có nhiều DN hiện nay phải NK nguyên liệu, cộng thêm nhiều loại chi phí dẫn đến có mức giá cao, còn những DN sản xuất nguyên liệu thì lại chỉ chăm chăm vào xuất khẩu.
Cho nên, nhiều ý kiến cho rằng nếu như có sự liên kết chặt chẽ giữa các DN Việt Nam với các doanh nghiệp FDI cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương trong bối cảnh đang chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19 sẽ giúp cho các bên “cùng thắng” thay vì mạnh ai nấy làm, thiệt đơn thiệt kép từ những khó khăn của NK hàng hoá, tăng giá nguyên phụ liệu trong thời gian qua.
Như tại tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian gần đây đang có sự chuyển biến trong việc liên kết, cung ứng giữa một số DN Việt với các doanh nghiệp FDI ở lĩnh vực chế tạo, cơ khí. Điển hình như Công ty TNHH công nghệ Cosmos; Công ty TNHH Điện – Điện tử Mê Trần Bình Xuyên; Công ty TNHH SSP Moulding; Công ty TNHH Thành Thắng...
Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc xác định chủ trương tăng cường mối liên kết, hợp tác, hỗ trợ giữa các DN trong nước và doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và tạo điều kiện để các DN Việt tham gia sâu vào chuỗi giá trị của khối ngoại. Điều này đòi hỏi phía DN nội phải gia tăng năng lực cạnh tranh để đáp ứng các tiêu chuẩn từ phía khối ngoại.
Còn tại tỉnh Bắc Ninh đang đặt ra mục tiêu đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng trong địa bàn tỉnh giữa DN trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa các DN công nghiệp hỗ trợ với DN lắp ráp. Hơn nữa, sẽ thúc đẩy liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương... nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn.
Có thể nói, cả khối nội lẫn khối ngoại giữa tác động của đại dịch đều gặp rất nhiều khó khăn do đầu vào và đầu ra đều không thuận lợi. Vì vậy, việc tăng liên kết giữa các DN ở hai khối này là rất cần thiết.
Điều quan trọng là các DN Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tạo thêm nhiều liên kết hơn nữa, nhất là phải đa dạng hoá chủng loại sản phẩm, bảo đảm chất lượng và đáp ứng được yêu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp FDI.
Khi mà chuỗi cung ứng trên “sân nhà” đang được định hình lại từ đại dịch Covid-19, việc nhập siêu như một phép thử lớn, lại càng đòi hỏi sự chủ động liên kết chặt chẽ hơn bao giờ hết của khối ngoại lẫn khối nội, nhất là cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau.
Thế Vinh