Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, Ts. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương đã nhấn mạnh điều này trong câu chuyện cứu hay không cứu ngành mía đường.
Báo chí mới đây đưa tin ông Nguyễn Văn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết lượng đường tồn kho trong cả nước hiện nay lên đến trên 300.000 tấn. Trong đó, công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) tồn khoảng 30.000 tấn.
10 năm... “bền bỉ” kêu cứu
Trong một cuộc họp đầu năm Mậu Tuất mới đây, ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh mua “giải cứu” lượng đường tồn kho của Casuco.
Thậm chí, để cuộc “giải cứu” hiệu quả, ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đã phân chia định mức dự kiến cho từng cán bộ. Cụ thể, trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ mua ủng hộ 20kg/người; Ban Chấp hành tỉnh 10kg/người; còn cán bộ, công chức 5kg/người. Kế hoạch này sẽ được triển khai thực hiện ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.
Theo lý giải của ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Casuco, sở dĩ công ty tồn kho lớn vì do tâm lý giao thời về hội nhập ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN) khiến thuế suất nhập khẩu (NK) đường từ ASEAN về Việt Nam xuống 0% nên các đại lý không dám trữ hàng vì lo sợ đường ngoại có giá rẻ sẽ ồ ạt tràn vào.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên ngành mía đường kêu cứu. Hồi cuối tháng 10/2017, VSSA đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho lùi thời gian thực hiện cam kết trong khối ASEAN theo Hiệp định ATIGA đến năm 2022, nếu sớm hơn là năm 2020. Thay vào đó, lượng NK hạn ngạch sẽ tiếp tục được tăng lên 10% so với mức 5%.
“Hiện tại, đã có những nước không thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), còn chúng tôi chỉ dám đề xuất kéo dài thời gian thực hiện cam kết này và vẫn tăng thêm mức NK hạn ngạch thuế quan”, văn bản của VSSA nêu.
Bình luận về câu chuyện “giải cứu” ngành mía đường, chuyên gia Phạm Tất Thắng cho biết thời gian qua, Việt Nam rất đặc biệt ưu tiên ngành mía đường. Ngay khi đàm phán các FTA, Nhà nước cũng không mở cửa thị trường này, thậm chí còn có quy định các siêu thị ngoại không được phép bán đường ngoại, siết NK đường bằng các điều khoản khắt khe.
“Các biện pháp đề ra này là mong cho ngành mía đường của Việt Nam có cơ hội vươn lên, có thời gian nâng cao sức cạnh tranh”, ông Thắng chia sẻ.
Tuy nhiên, ngành mía đường đã không tận dụng cơ hội đó để nâng cao sức cạnh tranh của mình, thay vào đó lại chủ yếu trông vào bảo trợ.
“Sự ỷ lại này thể hiện rõ ràng khi 10 năm qua, ngành mía đường luôn luôn kêu cứu. Kêu là không được phép cho NK, NK nhiều sẽ “giết chết” họ”, ông Thắng nói.
Thêm nữa, dù được Chính phủ bảo hộ nhưng thời gian qua, giá đường của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với đường Brazil, Thái Lan. Người tiêu dùng là DN sản xuất, cá nhân đều phải mua đường với giá cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Các chuyên gia cho rằng không nên tiếp tục “cứu” ngành mía đường
Quên đi trông chờ vào bảo hộ
Nguyên nhân là ngành mía đường Việt Nam có công nghệ lạc hậu hơn so với các quốc gia lân cận và thế giới. Chỉ có một vài DN tự đầu tư công nghệ mới, có cách làm khác để hạ giá thành sản xuất đường.
Thêm nữa, ông Thắng nêu quan điểm: “Chúng ta thấy càng bảo hộ, ngành mía đường càng bị lún sâu vào yếu kém, thiếu sức cạnh tranh”.
Gần đây, nổi lên sự kêu cứu của ngành mía đường như đề nghị Nhà nước không cho NK, ngừng tạm nhập tái xuất để giảm tồn kho.
“Giả dụ Nhà nước đồng ý, năm nay lại sản xuất ra loại đường có giá thành cao dẫn tới tồn kho, Nhà nước sang năm lại phải “giải cứu”. Hay nếu lùi thời hạn thỏa thuận tại Hiệp định ATIGA sau năm 2020 như vậy thử hỏi không biết ngành mía đường bao giờ mới khá?”, ông Thắng nói.
Theo vị chuyên gia này, đã đến lúc ngành mía đường cần “thức tỉnh” để DN không thể sống nhờ vào cứu hộ, hãy hành động để nâng cao sức cạnh tranh.
Cùng với đó, thực tế nhiều DN hiện nay chỉ quan tâm quyền lợi của mình mà quên đi người trồng mía. Trong suốt thời gian vừa qua, DN không chú ý đặt mình trong môi trường cạnh tranh quốc tế, chỉ trông mong bảo hộ của chính sách nhà nước, đó là định hướng sai lầm, theo đó chỉ có lợi cho một nhóm, và người nông dân sản xuất ra mía không được lợi.
“Đến lúc Nhà nước chấm dứt việc bảo hộ với ngành mía đường. Ngành mía đường cần phải đặt mình trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Giai đoạn đầu khó khăn, thậm chí một số cơ sở phá sản, nhưng ngành mía đường Việt Nam không “chết”, mà lúc đó sẽ có sức cạnh tranh quốc tế”, ông Thắng nói.
Ở góc độ khác, Gs.Ts. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, cho rằng từ khi các nhà máy đường trong nước được cổ phần hóa, việc trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước đã giảm.
Tuy nhiên theo Gs. Xuân, chính vì vậy mà DN chỉ chú trọng lo cho quyền lợi của mình và các cổ đông mà quên đi người trồng mía. Trong khi đây là lúc DN nên nghĩ về sự hài hòa lợi ích giữa các bên để cùng nhau vượt qua khó khăn cũng như có đủ sức cạnh tranh với các nhà sản xuất đường lớn trên thế giới.
“Chỉ khi áp dụng kỹ thuật mới thì nông dân và nhà máy đường mới có lợi nhuận do bán được nhiều đường vì giá thành rẻ hơn. Cùng với đó, Nhà nước nên thực hiện việc miễn, giảm thuế cho người trồng mía, người chế biến và cả người tiêu dùng tại các siêu thị để tăng tính cạnh tranh với đường lậu không chịu thuế”, Gs. Xuân đề xuất.
Như vậy, để “giải cứu” cho mình, ngành mía đường cần một cuộc tái cơ cấu mạnh mẽ. Trước mắt, để đối phó với đường Thái Lan giá rẻ, cần đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ nhằm sản xuất ra đường có giá thành thấp hơn.
Lê Thúy
Ts. Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu thương mại So với Thái Lan, rõ ràng chính sách của Việt Nam ưu ái rất nhiều cho ngành mía đường. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến các DN mía đường ngày càng ỷ lại. Trong khi đó, ở Thái Lan, chính sách đặt DN phải đối mặt cạnh tranh quốc tế, vì vậy ngành mía đường của họ ngày càng tốt lên và có sức cạnh tranh rõ rệt hơn chúng ta. Ts. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bất cứ một DN để phát triển tốt, để cạnh tranh được đều phải dựa vào quy luật thị trường và những thể chế chung của Nhà nước. Một nền kinh tế phải dựa vào “giải cứu” thì không thể nào tốt được. Do vậy, bản thân DN đừng trông cậy vào những giải pháp này, hãy tự mình tạo ra năng lực cạnh tranh. Ông Nguyễn Văn Hải - Tổng Thư ký VSSA
Đường của Thái Lan có sức cạnh tranh và rẻ hơn trong nước do Chính phủ Thái Lan có chính sách vĩ mô cho ngành mía đường. Thái Lan ấn định giá mía, đường, bảo đảm những người tham gia có lợi ích, người dân không bao giờ mua đường giá cao do trên thị trường không có đường nhập lậu. |