Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW (trong đó điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác chiếm 29%). Đến năm 2045, tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7 GW (trong đó điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%).
Thừa điện sẽ rất nguy hiểm
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, nếu Quy hoạch điện VI, VII là "sân chơi" của các tập đoàn lớn của Nhà nước và các công ty lớn của nước ngoài như: EVN, PVN, TKV, Siemes (Đức), AES (Mỹ)... thì với sự phát triển mạnh mẽ của điện gió, điện mặt trời trong Quy hoạch điện VIII sẽ là "sân chơi" chung của mọi doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp tư nhân với quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực đầu tư phát triển điện lực.
Do quá tải lưới truyền tải nên nhiều dự án điện mặt trời phải cắt giảm công suất. |
Ví dụ năm 2018, tỷ trọng nguồn điện của các doanh nghiệp nhà nước hiện đang chiếm khoảng 61-65%, các doanh nghiệp BOT và các doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 30%, thì tới năm 2030, với sự phát triển của năng lượng tái tạo thì các doanh nghiệp Nhà nước chỉ còn chiếm khoảng 39% cơ cấu của nguồn điện, các doanh nghiệp BOT và tư nhân chiếm tới 60% thị phần còn lại của nguồn điện.
"Điều này đặt ra yêu cầu phải có một quy hoạch điện VIII mang tính “mở” và đủ mềm dẻo để đáp ứng nhu cầu đầu tư nguồn và lưới điện", vị đại diện này cho biết.
Tuy vậy, việc phát triển năng lượng tái tạo đã và đang làm phát sinh ra những vấn đề nan giải cho ngành điện. Ngay những ngày đầu năm 2021, Bộ Công Thương, EVN đã liên tục phát đi cảnh báo về một số vấn đề cấp bách trong vận hành và bảo đảm an toàn hệ thống điện.
Trong văn bản phát đi ngày 5/2/2021 (trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021), Bộ Công Thương nêu rõ, trường hợp hệ thống điện dư thừa công suất đang phát lên hệ thống so với phụ tải tiêu thụ là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn hệ thống điện quốc gia nếu không có ngay các mệnh lệnh điều độ chuẩn xác, được thực hiện kịp thời và các giải pháp khẩn cấp khác.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) bên cạnh việc dự báo và tính toán đảm bảo cân bằng giữa công suất phát và phụ tải tiêu thụ cần thực hiện khẩn trương việc điều tiết giảm công suất phát các nguồn điện đang phát trên lưới theo các quy định hiện hành trong trường hợp có nguy cơ công suất phát điện lên hệ thống vượt quá công suất phụ tải, đảm bảo vận hành an toàn, không xảy ra sự cố.
Hệ quả từ việc phát triển dự án ồ ạt
Theo số liệu từ A0, hiện nay, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đã ở mức khoảng 69.000 MW với hơn 21.600 MW năng lượng tái tạo (riêng về điện mặt trời đã có công suất tổng cộng hơn 16.000 MW).
Thời gian qua, để hưởng cơ chế giá ưu đãi, nhiều dự án điện mặt trời đã chạy đua nước rút cho kịp mốc trước 31/12/2020 để đưa vào đấu nối, phát điện và hưởng giá ưu đãi.
Tuy nhiên, sau đó chính bản thân các doanh nghiệp điện mặt trời lại đối mặt với tình trạng phải cắt giảm công suất phát lên lưới. Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN, chia sẻ thời gian gần đây, các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời thường xuyên nhắn tin để phàn nàn về việc dự án của họ phải chịu cảnh cắt giảm. Ông nói: "Họ kêu rằng cứ vận hành như thế thì làm sao chúng tôi có đủ tiền để trả ngân hàng. Với EVN, thiếu đã rất đau đầu nhưng thừa điện còn mệt mỏi hơn".
GS.TS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng vấn đề thừa điện xảy ra là do sự phát triển ồ ạt, không đồng bộ và thiếu khoa học của điện mặt trời.
Đánh giá về quy hoạch điện vừa qua, PGS.TS. Trần Đình Long, cho rằng việc truyền tải không theo kịp sự tăng trưởng của loại hình năng lượng tái tạo là lỗi của những người phê duyệt quy hoạch, đáng lẽ trước khi đặt bút ký cho phép xây dựng ở đâu thì phải nhìn xem xét sau khi xây dựng rồi thì điện sẽ đi đâu và có đường đi một cách thoải mái không hay bị nghẽn tắc ở đâu đó và những nhà phê duyệt quy hoạch phải chịu trách nhiệm.
"Xây dựng một lưới điện ví dụ 220KV đã mất đến 3-4 năm từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, dựng cốt, kéo dây…. trong khi điện mặt trời chỉ cần 4-5 tháng làm xong nhà máy rất lớn", ông Long nói.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, trước khi đặt bút ký cho phép nhà đầu tư xây dựng thì phải xem xét xây xong có phát được điện không. Những vùng tập trung quá nhiều dự án điện năng lượng tái tạo như Bình Thuận, Ninh Thuận... thì khoan phát điện với một tốc độ quá cao như vậy mà cần phải giải đều để đồng bộ lưới điện.
Rõ ràng, sau một thập kỷ lúc nào cũng lo thiết hụt thì năm 2021, ngành điện lại đối mặt với nỗi lo "thừa điện".
Nhật Linh