Sau đợt dịch tả lợn Châu Phi, ông Bùi Văn Duyên, hộ chăn nuôi lợn ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đã tập trung đầu tư chuồng trại chuyển sang nuôi lợn chuồng lạnh để đảm bảo an toàn, giúp đàn lợn phát triển tốt hơn so với nuôi chuồng hở trước đây.
Người chăn nuôi “đau đầu”
Hiện tại, trại chăn nuôi của ông Duyên có 30 con lợn nái và 100 con lợn thịt. Ông cũng định tăng đàn nái lên 50 con tương ứng với 400 con lợn thịt để tận dụng công sức thiết kế của chuồng lạnh và tăng hiệu quả kinh tế hơn.
Thịt lợn hiện chiếm tới 70% tổng lượng tiêu thụ thịt của cả nước. |
Thế nhưng, nhiều tháng nay giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, giá lợn hơi lại phập phù làm cho ông “đau đầu” chưa dám tăng đàn. Bình quân giá thức ăn cám theo từng lứa tuổi của lợn tăng khoảng 40.000 đồng mỗi bao 25kg, nếu chủ trại mua cám thiếu của đại lý sẽ đội giá thêm 20.000 đồng mỗi bao.
“Giá thức ăn chăn nuôi đợt này lên cao, nếu kẹt vốn phải đi mua cám thiếu thì người nuôi khó mà có lãi”, ông Duyên nói.
Ghi nhận của VnBusiness trong ngày 1/7/2021 cho thấy, giá lợn hơi đang tiếp tục đi xuống ở các tỉnh, thành phía Nam. Như tại Đồng Nai giá lợn hơi hiện còn 62.000 đ/kg. Còn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thì dao động 64.000 - 65.000/kg.
Trong khi đó, như tính toán của các chuyên gia ngành chăn nuôi, do giá thức ăn tăng phi mã, lại chiếm khoảng 60 - 65% giá thành chăn nuôi, nên giá lợn hơi phải đạt 80.000 đồng/kg thì người nuôi mới đảm bảo được thu nhập.
Và chính vì tình trạng giá lợn hơi phập phù, còn giá thức ăn chăn nuôi lại không giảm nên nhiều trang trại, nông hộ chỉ dám chăn nuôi cầm chừng, không dám tăng đàn trong giai đoạn đầy bất trắc này.
Nhất là với “thủ phủ chăn nuôi” Đồng Nai với tổng đàn lợn khoảng 2,4 triệu con. Việc “cõng” thêm giá thức ăn tăng cao, vốn đang gặp khó khăn về giá con giống cao, rủi ro về dịch bệnh, giờ giá lợn hơi sụt giảm mạnh khiến việc tăng tái đàn lợn càng khó khăn hơn.
Tuy vậy, theo số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 6/2021, tổng số lợn đã tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính 6 tháng đầu năm 2021 sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 2.002,2 nghìn tấn, tăng 8,1% (quý II/2021 đạt 1.003,7 nghìn tấn, tăng 8,6%).
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21/6/2021, cả nước không còn dịch tai xanh ở lợn. Tuy nhiên, dịch lở mồm long móng còn ở Sơn La, Hà Tĩnh; dịch tả lợn châu Phi còn ở 30 địa phương.
Cần nhắc thêm là trong năm 2021 này, ngành chăn nuôi đặt ra mục tiêu tăng trưởng đạt khoảng 5,5%- 6%, sản lượng thịt các loại đạt hơn 5,7 triệu tấn. Trong đó, riêng thịt lợn sẽ đạt khoảng 3,67 triệu tấn (tăng 6,1%). Để đạt được mục tiêu trên thì việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy tái đàn lợn là rất quan trọng.
Hỗ trợ nâng công suất chăn nuôi
Thịt lợn hiện là nguồn cung thiết yếu cho người tiêu dùng Việt Nam, chiếm tới 70% tổng lượng tiêu thụ thịt của cả nước. Như đánh giá từ IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, khoảng một nửa lượng thịt lợn hiện do các trang trại quy mô nhỏ cung cấp với tiêu chuẩn an toàn sinh học tương đối thấp. Tại Việt Nam, trong hai năm qua, sự lây lan mạnh của dịch tả lợn châu Phi đã làm giảm đáng kể nguồn cung.
Trong bối cảnh mà việc tăng tái đàn trở nên đầy thách thức, như rơi vào thế kẹt đối với người chăn nuôi, thì phía IFC vào ngày 1/7/201 cho biết, họ sẽ góp phần thúc đẩy chuyện này thông qua việc hỗ trợ CTCP Greenfeed Việt Nam với khoản đầu tư trị giá 1.000 tỷ đồng (tương đương 43 triệu USD - dưới hình thức trái phiếu kỳ hạn bảy năm) nhằm nâng cao công suất chăn nuôi lợn giống và lợn thịt, giúp bảo đảm nguồn cung thịt lợn an toàn và chất lượng, đồng thời cải thiện các thông lệ chăn nuôi ở Việt Nam.
Từ nguồn vốn này thì sản lượng lợn thịt của công ty nêu trên dự kiến sẽ tăng thêm 750.000 con đến năm 2023. Điều này đồng nghĩa với việc công ty sẽ cung ứng hơn 125.000 tấn thịt lợn mỗi năm, và theo ước tính của IFC sẽ đủ cung cấp cho thêm khoảng 385.000 người tiêu dùng thịt lợn.
Nói về việc hỗ trợ, ông Lý Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Greenfeed Việt Nam cho biết sẽ giúp mở rộng công suất chăn nuôi lợn, cung cấp thịt lợn an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm có nguồn gốc động vật tại Việt Nam.
“Hỗ trợ của IFC cũng sẽ giúp chúng tôi tiếp tục hướng đến việc trở thành đơn vị đi đầu trong chuỗi giá trị thực phẩm từ thịt lợn tại Việt Nam và trên thế giới, đồng thời tuân thủ các thông lệ tốt nhất của ngành tại Việt Nam và trên toàn cầu”, ông Dũng chia sẻ.
Còn theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, việc thực hành chăn nuôi bền vững và an toàn sinh học sẽ giúp cải thiện khả năng chống chịu của ngành chăn nuôi Việt Nam, bảo đảm nguồn cung ổn định các sản phẩm đạm động vật thiết yếu.
Với việc hỗ trợ lần này, ông Kyle Kelhofer nhấn mạnh đến yếu tố phát triển hiệu quả và bền vững hơn của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong chuỗi cung ứng nông sản. Điều này sẽ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy ngành chăn nuôi tiếp tục chuyển đổi theo hướng hiện đại hóa và áp dụng các thông lệ sản xuất tốt nhất.
Thế Vinh