Mới đây, CTCP tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) cho biết trong năm 2021 này sẽ khẩn trương triển khai dự án khu chăn nuôi đã được phê duyệt tại các địa phương như Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Bình Phước...
Đột phá thu hút doanh nghiệp lớn
Còn tại An Giang, vào tháng 2/2021 vừa qua, Tập đoàn TH đã khởi công dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao” với tổng vốn khoảng 2.655 tỷ đồng. Đây là dự án chăn nuôi bò sữa lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, có quy mô đàn bò nuôi tập trung khoảng 10.000 con, nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất 135 tấn/ngày.
Ngành chăn nuôi bò sữa ở Đồng bằng sông Cửu Long kỳ vọng sẽ có bước chuyển biến thông qua đầu tư của những doanh nghiệp lớn. |
Trong một diễn biến khác, thông tin trên truyền thông những ngày gần đây cho biết một nhóm nhà đầu tư (trong đó có ông chủ Asanzo là Phạm Văn Tam) đầu tư 2.000 tỷ đồng vào dự án 5 trang trại bò trải dài từ Hòa Bình đến Nghệ An với tổng quy mô 25.000 con.
Nhìn vào tình hình đầu tư hiện tại, nếu tính thêm từ năm ngoái sẽ thấy đang có “làn sóng” đầu tư mạnh của các DN lớn trong và ngoài nước vào ngành chăn nuôi, được ví như “đại bàng đang làm tổ”.
Chẳng hạn với mảng chăn nuôi lợn, hồi năm ngoái đã chứng kiến hàng loạt dự án chăn nuôi lớn. Điển hình như New Hope (với 3 siêu dự án tại Bình Phước, Bình Định và Thanh Hóa có tổng vốn đầu tư 200 triệu USD tại Việt Nam và có tổng công suất lên tới 27.000 lợn nái).
Hay như tập đoàn Deheus (Hà Lan) và tập đoàn Hùng Nhơn khởi công Dự án Tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Đăk Lăk với tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, với mục tiêu hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 25.000 con lợn bố mẹ và lợn hậu bị.
Ngoài ra có thể kể đến một loạt tên tuổi lớn khác đầu tư vào chăn nuôi lợn như Thadi (mục tiêu nuôi 1,2 triệu con lợn thịt mỗi năm theo tiêu chuẩn châu Âu), Xuân Thiện (đầu tư 1,5 tỷ USD vào Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao ở Thanh Hoá), KDI Holdings (chi 2.000 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi lợn công nghệ cao JAPFA)...
Hay như với mảng chăn nuôi gà, cuối năm rồi đã chứng kiến khánh thành Tổ hợp nhà máy xuất khẩu gà CPV Food lớn nhất Đông Nam Á của CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam tại tỉnh Bình Phước có tổng số vốn đầu tư 250 triệu USD, công suất thiết kế lên đến 100 triệu con/năm.
Quan sát động thái đầu tư của các DN lớn vào ngành chăn nuôi mang tính “đột phá” trong thời gian gần đây, sẽ thấy đó là những dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, chăn nuôi quy trình khép kín, là bằng chứng cho thấy ngành này trong thời gian tới sẽ là 'cuộc chơi' của những nhà chăn nuôi chuyên nghiệp.
Vượt qua các thách thức nội tại
Rõ ràng, với sự đầu tư của các DN lớn sẽ giúp ngành chăn nuôi trong nước tăng trưởng số lượng vật nuôi, tăng trưởng sản lượng sản xuất. Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), với mảng chăn nuôi lợn, so với lúc trước dịch, khối DN chăn nuôi lớn tăng trưởng tới 160%, đặc biệt 16 DN chăn nuôi lớn cả nước tăng lên 5,55 triệu đầu lợn, chiếm 23% tổng đàn lợn của cả nước.
Mặc dù vậy, để ngành chăn nuôi trong nước phát triển bền vững với sự tham gia của các “đại bàng” vẫn cần tính xa hơn, nhất là nên vượt qua được những thách thức nội tại, từ vấn đề về giá thức ăn chăn nuôi, an toàn sinh học, cung - cầu sản phẩm, sức cạnh tranh, các liên kết giữa các khâu sản xuất - giết mổ - chế biến - phân phối…
Chẳng hạn như vấn đề giá thức ăn chăn nuôi tăng cao vẫn đang là “phép thử” lớn. Chỉ tính từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 3 này đã có đến 5-6 đợt tăng giá, với mức tăng từ 17-30% so với trước.
Điều đáng nói, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang phụ thuộc 70 - 80% nguyên liệu nhập khẩu, dẫn đến tình trạng thiếu ổn định, dễ bị tổn thương, nhạy cảm khi có sự cố xảy ra, gây tác động tiêu cực lên ngành chăn nuôi.
Theo lưu ý của Ts. Võ Trọng Thành (Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT) thì một trong những khó khăn của ngành chăn nuôi Việt Nam nằm ở khâu tổ chức sản xuất còn yếu, chi phí sản xuất cao, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Do đó, với mảng thức ăn chăn nuôi, rất cần khắc phục những trở ngại về chi phí, dần đáp ứng nhu cầu thay thế nhập khẩu của ngành nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi. Điều này cũng đòi hỏi nên có sự liên kết hơn nữa của các nhà đầu tư lớn để giải quyết bài toán này.
Với sự tham gia đầu tư của các DN lớn như hiện nay, giới chuyên gia cho rằng sẽ tạo ra nền móng vững chắc cho ngành chăn nuôi hàng hoá ở Việt Nam, những thách thức nội tại sẽ dần được khắc phục.
Đặc biệt là sẽ hình thành ngày càng nhiều hơn các liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, cũng như đang có sự chuyển hướng tích cực từ tăng sản lượng sang tăng chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cho các ngành hàng trong lĩnh vực này.
Thế Vinh