Giá tiêu trong tháng 3/2022 này đang giữ ở mức khoảng 80.000 đồng/kg. Đây vẫn là mức giá khá ổn dành cho những nông dân kiên trì bám trụ với cây hồ tiêu nhiều năm nay.
Bài học từ hồ tiêu
Tuy vậy, ở “thủ phủ hồ tiêu” Gia Lai, dù từ năm ngoái đến năm nay, giá tiêu tăng cao nhưng nông dân hưởng lợi không nhiều. Nguyên nhân chính là do giá hồ tiêu liên tục giảm sâu trong những năm trước đó nên nhiều nông dân lâm vào cảnh nợ nần (nhất là các hộ vay vốn đầu tư mở rộng diện tích trồng mới) rồi chặt bỏ để chuyển sang các loại cây trồng khác, hạn chế đầu tư hoặc bỏ bê vườn cây dẫn đến năng suất giảm mạnh.
Trái thanh long đã qua thời hoàng kim, phát triển “nóng” dẫn đến nhiều khó khăn về mặt thị trường cũng như giá cả, nhiều nhà vườn phải nhổ bỏ như hiện nay. |
Như ở huyện Chư Pưh hiện chỉ còn hơn 1.500 ha hồ tiêu, giảm gần một nửa so với giai đoạn 2015-2016. Còn ở huyện Chư Sê hiện còn 2.248 ha, giảm khoảng 1.000 ha.
Để tránh tiếp tục rơi vào điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng”, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai xác định không mở rộng diện tích hồ tiêu mà tập trung vận động người dân duy trì, ổn định diện tích hồ tiêu từ 12.000 - 13.000 ha.
Những dự báo cho thấy giá hồ tiêu xét về dài hạn sẽ còn tiếp đà tăng khi nguồn cung của Việt Nam đã giảm đi khoảng 10%, sản lượng của nhiều nước khác cũng giảm tương tự.
Ngay cả xuất khẩu hồ tiêu từ đầu năm đến nay tuy có giảm mạnh về sản lượng nhưng giá trị vẫn tăng khá khả quan. Đơn cử như riêng 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 139,66 triệu USD, tăng 59,51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bàn thêm về chuyện “trồng - chặt, chặt - trồng” ở ngành hồ tiêu, theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 - 2016, do giá hồ tiêu liên tục tăng cao, người dân tập trung mở rộng diện tích trồng ồ ạt khiến diện tích hồ tiêu trên địa bàn cả nước tăng nhanh, một số địa phương phát triển “nóng” dẫn đến vượt quy hoạch. Năm 2015, diện tích hồ tiêu đạt 101,6 nghìn ha, gần gấp đôi năm 2010.
Diện tích hồ tiêu tăng mạnh vào các năm 2017, 2018, cao nhất đạt trên 150.000 ha năm 2017, sau đó do giá giảm và không ổn định nên đến năm 2020 còn 131,8 nghìn ha, vẫn cao hơn 30,2 nghìn ha so với năm 2015 và tăng 80,5 nghìn ha so với năm 2010.
Cần lưu ý, trong giai đoạn 2019-2020, trung bình mỗi tấn hồ tiêu xuất khẩu chỉ thu về 2.300- 2.500 USD. Với mức giá này, những hộ trồng hồ tiêu gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư trồng hồ tiêu.
Chỉ từ năm 2021, giá hồ tiêu trong nước và giá xuất khẩu liên tục tăng và vẫn giữ ở mức cao như hiện tại. Nhờ vậy mà ngành hồ tiêu mới dần khởi sắc trở lại sau một thời gian dài rớt giá.
“Vết xe đổ” phát triển nóng
Theo giới chuyên gia, hồ tiêu được giá, người dân trồng nhiều nhưng sau 3-4 năm mới cho thu hoạch. Đến khi được cho thu hoạch cũng là thời điểm hồ tiêu rớt giá nên hiệu quả không cao, nông dân bỏ vườn không chăm sóc làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm tiêu, ảnh hưởng đến thương hiệu hồ tiêu Việt Nam trên thị trường nông sản thế giới.
Nêu ra vấn đề của ngành hồ tiêu cũng nhằm liên hệ đến tình hình khó khăn hiện tại ở cây thanh long. Nhất là theo phản ánh mới đây ở “thủ phủ thanh long” Bình Thuận đang diễn ra tình trạng nhiều nhà vườn phá bỏ vườn thanh long khi rơi vào cảnh rớt giá thảm hại, xuất khẩu sang Trung Quốc thường xuyên gặp trục trặc.
Điển hình ở huyện Hàm Thuận Bắc, thống kê bước đầu giảm khoảng 1.500 ha thanh long, xã giảm nhiều vài trăm ha, xã giảm ít vài chục ha. Còn ở một số huyện khác, nhiều nhà vườn cũng đã manh nha tự chặt bỏ loại cây này.
Mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận có lưu ý các nông hộ thận trọng khi chặt bỏ cây thanh long vì sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất, tuy nhiên tình trạng các xe múc đến phá dỡ các vườn thanh long vẫn đang diễn ra.
Không chỉ ở tỉnh này, từ hồi năm ngoái ở tỉnh Long An cũng xảy ra tình trạng nhiều diện tích trồng cây thanh long được nông dân hạ bỏ khi họ cảm nhận trái thanh long đã hết thời hoàng kim, họ đã kiệt sức khi phải chống chịu với tình trạng giá thanh long thấp liên tục trong suốt thời gian dài.
Diện tích trồng cây thanh long từng phát triển “nóng”, so với năm 2015, sản lượng thanh long cả nước năm 2021 đã tăng gấp đôi với gần 1,4 triệu tấn.
Cả nước có hơn 64 nghìn ha trồng cây thanh long tại hầu hết các tỉnh thành, trong đó, ba địa phương có diện tích sản xuất thanh long đứng hàng đầu là Bình Thuận (33 nghìn ha), Long An (gần 12 nghìn ha), Tiền Giang (9,6 nghìn ha).
Chính từ sự phát triển “nóng" về mặt diện tích, dẫn tới gia tăng sản lượng, đã kéo theo rất nhiều khó khăn về mặt thị trường cũng như giá cả.
Có thể nói “vết xe đổ” ở cây hồ tiêu khi tự phát trồng rồi tự phát chặt dường như đang lặp lại ở cây thanh long. Từ đó để thấy chuyện sản xuất tự phát, thiếu tổ chức của nông dân chưa biết khi nào sẽ chấm dứt nếu như cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương "thả lỏng" để nông dân tiếp tục tự do trồng, đến khi ứ đọng hàng bán không được thì tiếp tục tự do chặt bỏ.
Thế Vinh