Ở tỉnh Bình Thuận, trong 3 tháng còn lại của năm nay ước tính sản lượng thanh long thu hoạch sẽ vào khoảng 150.000 tấn. Việc tiêu thụ trong thời gian tới vẫn là thách thức lớn do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá thấp, vận chuyển khó khăn…
Long đong như… trái thanh long
Đặc biệt là những bất lợi từ thị trường Trung Quốc khi siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu phía Bắc, như nhận định của Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, đã ảnh hưởng lớn đến tình hình tiêu thụ nông sản, hoa quả, nhất là thanh long trái tươi.
Các DN trong ngành hàng rau quả đang đầy rẫy mối lo giữa tác động của dịch Covid-19 đợt 4. |
Để tháo gỡ phần nào khó khăn, cơ quan này vừa đề nghị tăng cường kiểm tra biện pháp phòng, chống dịch tại doanh nghiệp (DN) thu mua, đóng gói thanh long.
Còn theo phản ánh từ phía DN và các hợp tác xã (HTX) trồng thanh long ở Bình Thuận, việc xuất khẩu (XK) đang gặp trở ngại khi việc lưu thông hàng hóa bị động, vận chuyển đường hàng không rất hạn chế, đặc biệt, vận tải biển thường xuyên bị hoãn, hàng bị hỏng, chi phí tăng quá cao.
Chính những rủi ro lớn này khiến DN chỉ tập trung đi đường bộ nên hàng tồn đọng và ách tắc tại khu vực cửa khẩu ở phía Bắc rất lớn. Để đưa trái thanh long qua được biên giới Trung Quốc thì HTX cũng như DN phải làm tốt xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 đối với người tham gia thu hoạch, bốc xếp, vận chuyển.
Không những vậy, các HTX, DN còn gửi cả kết quả xét nghiệm vi rút và video xếp thanh long lên xe vận chuyển cho DN nhập khẩu Trung Quốc để chuẩn bị hồ sơ, làm căn cứ áp dụng các biện pháp phòng dịch trong nhập khẩu.
Chính vì việc XK gặp nhiều long đong như vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến kim ngạch XK rau quả của cả nước trong thời điểm hiện nay. Điều đáng nói, XK sụt giảm trong khi tình hình tiêu thụ trong nước chưa thuận lợi, thì ngành hàng rau quả Việt vẫn thường xuyên chịu cảnh ứ đọng với sản lượng lớn.
Đơn cử như ở tỉnh Đăk Nông, trong hạ tuần tháng 9/2021 này, các loại bơ, sầu riêng, rau, củ, quả... đang vào vụ thu hoạch nhưng mịt mờ đầu ra do người sản xuất, các thương lái, các cơ sở thu mua và chế biến đều đang gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, với quả bơ hơn 20.000 tấn; sầu riêng gần 25.000 tấn; rau, củ, quả gần 90.000 tấn.
Hoặc như ở tỉnh Đồng Nai, quả bưởi đang rơi vào cảnh “khủng hoảng thừa” trong vụ thu hoạch bưởi trong tháng 9 này khi tiêu thụ chậm do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá giảm kỷ lục, hiện chỉ bán được với giá 6-8 ngàn đồng/kg bưởi da xanh (trước đây ở mức giá vài chục ngàn đồng/kg).
Chi phí quá cao, doanh nghiệp đuối sức
Nhiều HTX, DN cho biết họ đang chịu nhiều áp lực về mặt chi phí để giúp bảo đảm đầu ra cho ngành hàng rau quả. Chẳng hạn như các chi phí liên quan đến phòng chống dịch Covid-19.
Như ước tính của các HTX, DN chuyên chở mặt hàng rau quả trong mùa dịch này, 70-80% chi phí chống dịch là đổ vào xét nghiệm chỉ để tìm ra một kết quả chỉ có giá trị vỏn vẹn trong 2-3 ngày.
Có HTX, DN vận tải cho biết mỗi tháng phải mất 300 triệu đồng chi phí xét nghiệm PCR cho gần 150 lái xe. Với các tuyến đường dài chạy 4-5 ngày thì chi phí xét nghiệm tăng gấp đôi.
Còn với một HTX, DN trong ngành hàng rau quả ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khi thực hiện “3 tại chỗ" từ cuối tháng 7/2021 đến nay, xét nghiệm PCR cho 350 người lao động với chi phí hàng tuần là 60 triệu đồng, tức 240 triệu đồng một tháng.
Với chi phí lớn về mặt xét nghiệm như vậy đã phần nào khiến cho các HTX, DN “nao núng” trong việc tham gia giải quyết đầu ra cho ngành hàng rau quả trong các đợt thu hoạch rộ vào thời gian vừa qua, cũng như trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là khoản chi phí quá tốn kém nhưng hiệu quả lại chưa cao, khiến cho cả DN và nông dân cùng khổ. Anh Lê Hoàng Quốc Hải, giám đốc một DN kinh doanh ngành hàng rau quả, cho biết chi phí này quá cao nên DN đuối sức, không còn muốn làm.
Theo giới chuyên gia, những bất cập trong quy định phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương khiến nhiều HTX, DN thu mua rau quả gặp trục trặc, dẫn đến đứt gãy sản xuất, công suất hoạt động chỉ còn 20 - 30%.
Chính vì vậy, mới đây, khi làm việc với Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Rau quả Việt Nam có đề xuất là các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh quy định về thủ tục giao nhận hàng hóa phù hợp với tình hình mới.
Ngoài ra, hiệp hội này đề nghị cần tăng độ phủ vắc xin cho lao động trong ngành rau quả ở các khu công nghiệp, khu sản xuất tập trung và các đối tượng có mức độ tiếp xúc cao với cộng đồng.
Nhìn vào tình hình khó khăn của ngành hàng rau quả ở trong nước, người tiêu dùng cũng tỏ ra bức xúc trước những thông tin phản ánh trong mùa dịch này về việc nhiều mặt hàng rau quả Trung Quốc với hàng trăm xe hàng vẫn dễ dàng nhập khẩu vào tiêu thụ rộng rãi ở Việt Nam.
Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn là mặt hàng rau quả trong nước đang rơi vào tình cảnh nơi thừa, nơi thiếu, gặp khó khăn đủ điều trong quá trình từ thu hoạch cho đến vận chuyển, tiêu thụ, còn rau quả Trung Quốc thì vẫn cứ về đều đều. Điều đó chẳng khác nào chuyện “dễ người khó ta”.
Đây là bài học cho các cơ quan quản lý cần tự vấn và sớm có các giải pháp phù hợp để không còn chuyện nghịch lý này xảy ra với ngành hàng rau quả Việt trong thời gian tới.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.