Khi dịch Covid-19 đợt 4 còn đang diễn biến phức tạp thì vào cuối tuần này (ngày 9/7/2021), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ tổ chức hội thảo khách hàng trực tuyến để bàn về giải pháp kết nối hàng hóa với cảng container nước sâu tại khu vực Cái Mép - Thị Vải thuộc huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Khơi thông kết nối hàng hoá với cảng Cái Mép
Đây là chủ đề “nóng” hiện nay đối với các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu ở phía Nam khi họ đang đối mặt với hàng loạt vấn đề về logistics như: biến động giá cước vận chuyển, thiếu hụt container rỗng, gián đoạn chuỗi cung ứng tạm thời.
Các DN vẫn lo khó khăn, ách tắc do thiếu container và cước vận tải biển quốc tế “leo thang” ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu. |
Là các cảng nước sâu lớn nhất cả nước, cảng TCIT và TCTT tại khu vực Cái Mép - Thị Vải đang đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam với các thị trường lớn trên thế giới như: Bắc Mỹ, châu Âu, và các quốc gia châu Á.
Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh Covid-19 đợt 4 bùng phát mạnh tại Tp.HCM, kéo dài từ tháng 6 cho đến tháng 7/2021 này, việc vận chuyển hàng hoá ở Tp.HCM đi đến Cái Mép cũng gặp không ít vướng mắc.
Theo chia sẻ gần đây của ông Trần Việt Anh, Chủ tịch CTCP xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn (Tp.HCM), hiện nay, các DN Tp.HCM xuất khẩu (XK) lượng hàng hóa qua cảng Cái Mép – Thị Vải chiếm 60%. Thế nhưng, muốn đến cảng Cái Mép – Thị Vải thì DN buộc phải qua địa phận tỉnh Đồng Nai.
Trong khi đó, hồi đầu tháng 6/2021, dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến việc tỉnh Đồng Nai thắt chặt các quy định ra vào tỉnh này. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp XK từ Tp.HCM qua cảng Cái Mép, bởi DN xuất hàng chậm vài phút kéo theo tác động đến cả chuỗi cung ứng hàng hóa XK đi các nước.
Còn trong quy định mới đây của UBND Đồng Nai, từ 0h ngày 5/7, người ở tỉnh này nhưng làm việc tại Tp.HCM, Bình Dương và ngược lại muốn đi qua lại hai địa phương mỗi ngày, yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 7 ngày.
Quy định như vậy buộc các tài xế xe container ở Tp.HCM tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí để đi làm xét nghiệm nhằm có thể di chuyển qua địa phận Đồng Nai. Và điều đó cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng phần nào đến chuyện vận chuyển hàng hoá XK của các DN từ Tp.HCM đến khu vực Cái Mép trong thời điểm này.
Để hạn chế mức thấp nhất tình trạng ùn tắc hàng hóa tại Tp.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và các tỉnh, thành phố giáp ranh với Tp.HCM trong giai đoạn “nóng” của dịch bệnh, hôm 5/7, Bộ trưởng GTVT đã ký văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương phối hợp phân luồng phương tiện vận tải hàng hóa bảo đảm thông suốt.
Vẫn lo tắc nghẽn vận tải biển
Bộ GTVT còn yêu cầu Tổng cục Đường bộ chỉ đạo các DN vận tải không để tình trạng thiếu phương tiện vận chuyển làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đó là một phần của câu chuyện ách tắc vận chuyển ở trong nước. Còn theo những dự báo mới đây, nguy cơ vận tải bằng container trên các tuyến hàng hải quốc tế sẽ còn tắc nghẽn cho tới cuối năm nay.
Hồi tháng 6/2021, hãng tin BBC có cho biết, tắc nghẽn xảy ra ở đầu nhận hàng, là các cảng châu Âu và Bắc Mỹ. Nhiều tàu container tới cùng lúc, trong khi nguồn container trống bị ngưng vì nhiều container bị lưu bãi trên khắp thế giới.
Việt Nam cũng được cho là chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước tình trạng giá cước vận tải tăng cao. Trong khi đó, theo BBC, nhờ chương trình tiêm chủng rộng khắp, khu vực Âu Mỹ đã phục hồi tiêu dùng và “đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp XK Việt Nam” nhưng họ lại đang gặp phải vấn đề giá cước vận tải biển, chi phí logistics.
Trong bản báo và kiến nghị gửi đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan vào cuối tháng 6/2021, Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (Vasep) than phiền “do dịch bệnh Covid 19, các DN đã rất khó khăn mới ký được các đơn hàng, nhưng ngay cả khi có đơn hàng, với việc cước phí thuê container tăng quá cao và DN rất khó khăn trong việc thuê được container hàng để xuất nhập hàng hóa”.
Chính vì vậy, theo Vasep, các DN cũng đang đứng trước tình trạng thua lỗ trầm trọng và đình đốn sản xuất do giá thành sản xuất tăng cao và không XK được hàng hóa.
Và Hiệp hội này lưu ý “nếu không có các biện pháp kiểm soát, tình hình này sẽ kéo dài với chi phí vận tải biển và tình trạng container thiếu hụt tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến XK thủy sản nói riêng và các ngành hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung”.
Cần nhắc lại từ cuối năm ngoái, phía Vasep đã có công văn gửi Cục Hàng hải (Bộ GTVT) về việc tăng giá cước, phụ phí thuê container và tình trạng thiếu container cho xuất nhập khẩu của các hãng tàu biển. Tuy nhiên, đến nay, tình hình thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn.
Do đó, Hiệp hội này đã kiến nghị Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và có các chỉ đạo giải quyết tháo gỡ vấn đề thiếu container đi các tuyến và giảm giá cước vận chuyển tàu biển trở lại như trước tháng 11/2020.
Thế Vinh