Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2020 vừa qua, trong bối cảnh cả thế giới trải qua một năm đặc biệt với nhiều biến động và suy thoái, dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu sang khu vực châu Mỹ vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với các nước trên thế giới.
Tận dụng ưu đãi thuế quan còn thấp
Cụ thể, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Mỹ đạt gần 111,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019; trong đó xuất khẩu đạt 89,7 tỷ USD, tăng 21,7% và chiếm tỷ trọng 31,7% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý là xuất khẩu sang Canada và Mexico tiếp tục có mức tăng trưởng dẫn đầu trong khối thị trường CPTPP (đạt 4,4 tỷ USD tại Canada và 3,17 tỷ USD tại Mexico), tăng 12% - cao hơn nhiều so với mức tăng xuất khẩu chung 7%. Những con số này khẳng định, CPTPP đã mở rộng đường cho hàng Việt sang thị trường châu Mỹ - vốn rất mới mẻ và tiềm năng.
Quy tắc xuất xứ đang là khó khăn của nhiều doanh nghiệp dệt may trong việc tận dụng Hiệp định CPTPP. |
4 quốc gia châu Mỹ thành viên của CPTPP gồm Canada, Mexico, Chile và Peru đều là thành viên của những khối thương mại, FTA và liên minh thuế quan có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Việt Nam có thể xem xét thông qua việc xuất khẩu và đầu tư sản xuất tại các nước này để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang khu vực thị trường hơn 1 tỷ dân của Bắc Mỹ và Nam Mỹ.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, doanh nghiệp Việt Nam, các đối tác trong CPTPP và đặc biệt là khu vực châu Mỹ vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh, như: khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, sự khác biệt về ngôn ngữ, thiếu thông tin cập nhật về tiếp cận thị trường.
Để có thể hưởng thuế ưu đãi xuất khẩu sang thị trường thành viên CPTPP, doanh nghiệp vẫn đang gặp một số khó khăn lớn như vấn đề đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ, vấn đề chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường... Đặc biệt, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đã tác động mạnh đến kinh tế, xã hội của Việt Nam và các nước châu Mỹ cũng như trên phạm vi toàn cầu.
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada năm 2020 bằng 1,5 lần năm 2018 (trước khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực). Tuy nhiên, hàng hóa hưởng ưu đãi thuế từ CPTPP thấp hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy, Hiệp định CPTPP có tác động trực tiếp tới xuất khẩu nhưng không nhiều.
Bà Hương nêu ra các khó khăn về tận dụng CPTPP như không đáp ứng quy định, thủ tục chứng minh xuất xứ, chênh lệch thuế MFN, GSP và thuế ưu đãi CPTPP không đủ lớn nên không tạo động lực cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), thị trường các nước CPTPP đang chiếm hơn 25% kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ. Đặc biệt, trong 2 năm qua, Canada và Úc đang nổi lên là thị trường rất tiềm năng của ngành gỗ. Nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ của thị trường Canada giống như Mỹ, tuy nhiên đơn hàng thì nhỏ hơn.
Gỡ "nút thắt" quy tắc xuất xứ
Ông Phương chỉ rõ lợi thế của ngành gỗ Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường CPTPP là có thể cạnh tranh tốt với hàng Trung Quốc - một "đối thủ nặng ký" từ trước đến nay. Tuy nhiên, điều Tổng Thư ký HAWA lo ngại nhất là tính chủ động của chính doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là làm gia công, ở "sân nhà" chờ người mua hàng đến. Như thế, nhiều khi chính doanh nghiệp lại ở vào thế bị động, phụ thuộc đối tác.
Tổng công ty May 10 đang xuất khẩu vào 5 nước thành viên CPTPP là Nhật Bản, Singapore, Úc, NewZealand, Canada. Năm nay, May 10 đặt mục tiêu nâng tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đạt 6,5 triệu USD (trong khi năm 2019 chỉ đạt 700 nghìn USD).
Dù có thừa kinh nghiệm "chinh chiến" ở thị trường nước ngoài, song Tổng giám đốc Thân Đức Việt, cho biết, khó khăn nhất của May 10 vẫn nằm ở câu chuyện quy tắc xuất xứ. Các nước CPTPP yêu cầu hàng dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi, tuy nhiên có những điều mà doanh nghiệp không thể ngờ tới. Đơn cử, May 10 từng gặp phải tình cảnh sử dụng chỉ may không đáp ứng yêu cầu xuất xứ.
"Trong một sản phẩm, chỉ may chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong giá thành, tuy nhiên chỉ may cũng có tới hàng trăm mẫu, có loại chưa được làm ở Việt Nam. Chúng tôi có bộ phận nghiên cứu nhưng không phát hiện ra, để đến khi đối tác phản ánh thì mới biết", ông Việt chia sẻ. Theo đó, Tổng giám đốc May 10 nhìn nhận, có những quy định trong CPTPP dù doanh nghiệp đã đọc nhưng vẫn không hiểu, chỉ một chi tiết nhỏ cũng có thể khiến doanh nghiệp mất đơn hàng lớn, thậm chí mất tín nhiệm với đối tác.
Tổng giám đốc Thân Đức Việt cũng thông tin, dự kiến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của May 10 vào thị trường CPTPP là 6,5 triệu USD, song dòng hàng được miễn thuế về 0% chỉ đạt 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, ít nhiều sau 2 năm thực thi CPTPP đã có tác động rõ rệt tới xuất khẩu nhưng về tổng thể kết quả chưa như kỳ vọng, đặc biệt còn một số tồn tại, hạn chế đã đánh giá được ngay trước khi Hiệp định có hiệu lực.
"Việc đáp ứng quy tắc xuất xứ để hàng hóa hưởng ưu đãi, như mặt hàng dệt may còn khó, trong khi tâm lý băn khoăn ô nhiễm môi trường khiến các địa phương e ngại thu hút các dự án đầu tư dệt nhuộm", bà Trang nói.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng chỉ ra những khó khăn trong tận dụng CPTPP như đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng với hàng nông sản, thủy sản, chất lượng sản phẩm thiếu đồng bộ và đặc biệt một số lượng lớn doanh nghiệp chưa nắm vững cam kết của Hiệp định.
Khảo sát mới đây của VCCI cho thấy, CPTPP là hiệp định quá nổi tiếng nên nhiều doanh nghiệp biết, nhưng mới chỉ là nghe tới chứ hiểu sâu thì còn ít. Do vậy, để tận dụng hiệu quả CPTPP chắc có lẽ còn nhiều việc phải làm, cần giải pháp mạnh hơn.
Cùng với đó, bà Trang cũng cho rằng, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm để tiếp cận thị trường mới, "để quyết định mình có được hưởng lợi không và hưởng lợi bao nhiêu từ FTA".
Lê Thúy