Thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã đạt trên 174.000 ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới, hơn 17.000 nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu nông nghiệp hữu cơ…
Chấp nhận thách thức lớn
Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên chặng đường phát triển nông nghiệp hữu cơ phía trước còn vô vàn những khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề thương mại sản phẩm như: Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước chưa thực sự phát triển, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ…
Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước chưa thực sự phát triển |
Hơn ai hết, người sản xuất thấy rõ những cơ hội và cả những gian nan, thách thức đã và sẽ phải đối mặt. Chia sẻ tham luận tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vừa diễn ra, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, đánh giá phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam có tiềm năng và cơ hội rất lớn nhưng khó khăn và thách thức cũng không hề nhỏ. Để biến khó khăn thành tiềm năng, thách thức thành cơ hội đòi hỏi có một sự đầu tư bài bản ngay từ ban đầu và duy trì phát triển liên tục qua thời gian tồn tại và phát triển.
Theo đó, ông Viên liệt kê hàng loạt những khó khăn khi phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong đó có vấn đề thị trường. Thị trường đã quen với sản phẩm nông nghiệp hóa chất với hàng đẹp, giá rẻ. Chính vì vậy, thách thức đặt ra là làm sao phải sản xuất ra sản phẩm hữu cơ có chất lượng cao với giá thành phù hợp được thị trường chấp nhận. Thách thức này không hề nhỏ trong những giai đoạn đầu tạo dựng hệ thống nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là hàng từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đâu là hàng không phải hữu cơ. Điều này dẫn đến cần phải tốn rất nhiều chi phí để người tiêu dùng hiểu được thế nào là sản phẩm hữu cơ để trở thành người tiêu dùng thông thái.
Dù vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả ban đầu nhưng lãnh đạo Vinamit nhìn nhận làm hữu cơ là con đường dài mà người đi trên đó phải luôn luôn cải tiến liên tục để hoàn thiện.
Là người gắn bó 40 năm với nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, chia sẻ để nói lên những thử thách, khó khăn khi đi trên con đường này trong vài chục phút thì không diễn tả hết. Tuy nhiên, 40 năm qua, bản thân ông nhận thấy nếu không dám hy sinh, đối mặt vượt qua từng thời kỳ thăng trầm thì khó mà có Tập đoàn Quế Lâm như hôm nay.
Ông Lam đã chỉ ra nút thắt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay nổi lên những vấn đề: Thiếu lòng tin giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân; khai thác tài nguyên đến mức cạn kiệt; ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, sức khỏe người sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng. Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề này thì nông nghiệp hữu cơ mới có thể coi là thực sự thành công.
Vẫn là vấn đề niềm tin
Bài học ông Lam đúc rút từ hành trình của cá nhân và của Quế Lâm là xây dựng lòng tin. Chỉ có xây dựng lòng tin bằng việc chứng minh hiệu quả từ các mô hình đã thành công mới có thể phát triển được nông nghiệp hữu cơ một cách bài bản. Xây dựng lòng tin là nói đi đôi với làm, đặc biệt là với người nông dân, lấy thực tiễn để chứng minh hiệu quả.
Mặt khác, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm cũng chỉ ra những khó khăn khi thương mại sản phẩm hữu cơ, đó là câu chuyện gặp khó về chi phí xin giấy chứng nhận hữu cơ. “Chúng ta không thể làm giấy chứng nhận hữu cơ mà tốn chi phí quá cao, lên tới cả tỷ đồng. Với chi phí này thì nói thực người làm hữu cơ không thể duy trì đủ sống chờ đến khi bán được hàng”, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm bày tỏ mong muốn nên giảm bớt chi phí cấp giấy chứng nhận hữu cơ.
Từ niềm tin đó, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm cũng mong rằng Nhà nước phải có cơ chế đặt hàng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện liên kết theo chuỗi. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, bằng mọi giá phải giải được đề bài do Nhà nước đề ra.
Liệt kê hàng loạt thương hiệu làm hữu cơ hiện nay như Vinamit Organic, Happy Vegi, Organicfood.vn, Đà Lạt GAP Store, Hoa Sữa Food…, bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, đánh giá có nhiều thách thức đang đặt ra cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm hữu cơ, trong đó trở ngại lớn nhất là về giá.
“Tuần qua, chúng tôi đi khảo sát các điểm bán thực phẩm hữu cơ, ghi nhận rồi chia lấy điểm trung bình thì thấy là thông thường giá thực phẩm hữu cơ cao hơn thực phẩm thường 6 lần. Hình thức của sản phẩm cũng không mượt mà, phổng phao, bóng bẩy như các loại rau củ, trái cây có sử dụng chất kích thích hay bảo quản”, bà Hạnh chia sẻ, chưa kể hiện nay cũng còn nhiều ngộ nhận về sản xuất thực phẩm hữu cơ.
Mặt khác, các doanh nghiệp, nông dân đang sản xuất hay kinh doanh nông sản và thực phẩm hữu cơ đều có chung một điểm là thiết tha kiến nghị hãy giữ vững niềm tin của người tiêu dùng với chất lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam.
"Mà thực tế thì không có ông chủ doanh nghiệp, chính quyền cấp nào có thể có đủ sức, đủ năng lực để kiểm tra và ngăn chặn hoàn toàn vi phạm về tiêu chuẩn. Đó là việc cần giao cho sự giám sát xã hội. Nghĩa là mỗi người cần đề cao trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn sự vi phạm, cũng là cho mình và cho nền kinh tế nói chung", bà Hạnh chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Tiến Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nếu như năm 2000, thị trường sản phẩm hữu cơ thế giới chỉ đạt 18 tỷ USD, thì năm 2021 đã tăng tăng mạnh lên 188 tỷ USD và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022. Bắc Mỹ và châu Âu chiếm hầu hết doanh số bán hàng, với 90% thị phần. Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, chúng ta cần xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng, điều này cần quá trình với sự nỗ lực từ nhiều bên từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và chính người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm hữu cơ cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Ông Phạm Minh Đức Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam - Giám đốc Điều hành Ecolink Từ năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực sự làm chủ nông nghiệp hữu cơ. Cũng trong giai đoạn này, một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk hay TH bắt đầu chuyển một phần sản phẩm sang làm hữu cơ. Uy tín, danh tiếng sản phẩm hữu cơ xuất xứ từ Việt Nam ở thị trường thế giới đã đi lên được một chút. Tuy nhiên, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam hiện còn nhỏ, khó xâm nhập thị trường châu Âu. Do đó, chúng tôi cho rằng hướng đi vào thị trường trong nước sẽ dễ hơn, vấn đề là phải khơi thông được thị trường này. Ông Lê Khắc Cương Tổng giám đốc CTCP nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Quốc tế TH Group Theo khảo sát của TH, trong 5-10 năm trở lại đây, “người tiêu dùng thông thái” quan tâm nhiều đến sản phẩm hữu cơ, không đơn thuần chỉ là sản phẩm sạch. Tuy nhiên, làm sản phẩm hữu cơ không hề đơn giản. Để được chứng nhận hữu cơ là chặng đường gian nan, tốn kém. Do đó, nếu ai nói sản phẩm hữu cơ vì sao đắt, thì cần hiểu chúng tôi đã bỏ vào đó bao nhiêu nhân tài, vật lực. Để có rau, sữa hữu cơ, chúng tôi mất đến 7 năm. Chỉ một mẫu không đạt, chúng tôi sẽ phải làm lại từ đầu. Tiêu chuẩn của các nước bạn rất khắt khe. Do vậy, Nhà nước có chính sách hỗ trợ phát triển, thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng. |
Lê Thúy