Số liệu mới nhất từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho thấy tính từ đầu năm đến giữa tháng 10/2021 đã thu hút gần 1,1 tỷ USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Những tín hiệu tích cực
Con số này hiện đã đạt đến 156% kế hoạch năm của tỉnh Đồng Nai. Trong đó, có 44 dự án FDI đầu tư mới với tổng vốn đăng ký gần 356 triệu USD và 93 dự án đăng ký tăng thêm vốn khoảng 736,3 triệu USD.
![]() |
Với tầm nhìn về những cơ hội dài hạn sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục rót vốn đầu tư mở rộng nhà máy tại Việt Nam. |
Đây là điều rất đáng khích lệ khi dòng vốn FDI đầu tư mới và tăng thêm vẫn liên tục tăng dù cho dịch bệnh Covid-19 trong những tháng qua đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh này.
Còn tại Bình Dương, trong hội nghị trực tuyến cách đây vài ngày giữa lãnh đạo tỉnh với các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản cũng cho thấy những tín hiệu lạc quan khi các nhà đầu tư của Nhật khẳng định sẽ tiếp rót vốn đầu tư vào lĩnh vực đô thị, thương mại.
Như chia sẻ của ông Takahashi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản), trong năm tới phía tập đoàn sẽ bắt tay xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên ở thành phố mới Bình Dương, cũng như tiếp tục thúc đẩy phát triển đô thị tại đây từ cả góc độ phần cứng và phần mềm.
Hoặc như tâm sự của ông Tanabe, Phó chủ tịch Tập đoàn NTT East (Nhật Bản), tập đoàn đang chuẩn bị để sớm trở thành cổ đông chiến lược của công ty công nghệ và truyền thông trong năm nay.
Nhằm tạo đòn bẩy thu hút các “đại bàng” công nghệ ở nước ngoài vào “xây tổ” thì tỉnh Bình Dương đang nỗ lực tạo điểm nhấn, đầu tư về hạ tầng với các khu công nghiệp khoa học công nghệ cao ở huyện Bàu Bàng để chào đón các hãng công nghệ lớn đến mở nhà máy.
Mới đây, khi trả lời phỏng vấn của đài RFI (Pháp), ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư, Ngân Hàng Thế Giới (WB) tại Việt Nam, có nhận định rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Việt Nam chỉ là nhất thời, như với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới. Và WB chờ đợi tăng trưởng của Việt Nam bật dậy, ở mức tối thiểu là 6% cho năm 2022.
“Chúng tôi lạc quan bởi vì những yếu tố nền tảng vẫn tồn tại. Những yếu tố đó là ổn định về đối nội, Việt Nam kiểm soát được những bất cân đối cả về mặt ngân sách lẫn ngoại thương, lạm phát, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam cũng đang ở mức khá cao từ nhiều năm qua…Nói cách khác, nhiều chỉ số kinh tế của Việt Nam vẫn vững chắc”, ông nói.
Theo ông Jacques Morisset, từ trước đại dịch, một phần do căng thẳng Mỹ - Trung, nhiều công ty đã di dời cơ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam. Xu hướng đó sẽ tiếp tục bởi vì Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh tương đối (chẳng hạn như là nhân công rẻ...). Điều này giải thích vì sao đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam.
“Bắt nhịp” các cơ hội
Trước lo ngại về việc dịch bệnh làm cho một số nhà sản xuất có phần dời từ Việt Nam sang những khu vực khác, vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng đó chỉ là những thay đổi trong ngắn hạn.
Ở góc độ của một doanh nghiệp FDI vừa qua đã quyết định đầu tư thêm 5 triệu euro nhằm mở rộng nhà máy tại Bình Dương ngay giữa lúc dịch Covi-19 diễn ra căng thẳng, ông Eliseo Barcas, Giám đốc điều hành Tetra Pak Việt Nam (100% vốn Thuỵ Điển), giải thích đó là vì nhìn thấy các cơ hội trong dài hạn ở ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) tại thị trường Việt Nam, nhất là khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Ngay cả với ngành du lịch và khách sạn vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh trong thời gian qua, với tầm nhìn dài hạn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài thì lĩnh vực này vẫn có cơ hội phục hồi tốt sau đại dịch và có triển vọng tăng trưởng tốt xét về dài hạn.
Còn trước mắt, nói về khả năng ứng phó Covid-19 của thị trường khách sạn cao cấp ở Việt Nam dưới góc nhìn của khối ngoại, ông Christoph Strahm, Tổng giám đốc Khách sạn Capella, nhấn mạnh rằng khách sạn của ông đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ “hiện đại” và thực hiện các dịch vụ không chạm.
Hoặc để đối phó với những thời điểm bất ổn, Tổng giám đốc InterContinental Hanoi Landmark72, ông Patrick Verove, đã chia sẻ về những kế hoạch mang tính chủ động. Nhất là xác định ra các cách thay đổi hoạt động để cải thiện lợi nhuận, bảo vệ dòng tiền, áp dụng các giải pháp số tối tân.
Nhiều nhà đầu tư của khối ngoại trong lĩnh vực khách sạn và du lịch cho rằng trong thời điểm Việt Nam đang dần nới lỏng các hạn chế do đại dịch và đưa nền kinh tế đi vào hoạt động trở lại bằng những biện pháp phục hồi với các gói kích cầu, ngành du lịch được kỳ vọng cũng sẽ từng bước đi lên.
Từ việc “nhìn xa trông rộng” của khối ngoại với những cơ hội dài hạn sau đại dịch ở Việt Nam, có thể nói đó là những tín hiệu tích cực trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài thay cho những mối lo trong ngắn hạn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong thời gian tới, điều quan trọng sau đại dịch là các địa phương cần “bắt nhịp” các cơ hội dài hạn đã được nhìn nhận, nhằm chủ động thu hút dòng vốn ngoại và đáp ứng những yêu cầu chính đáng của các nhà đầu tư.
Thế Vinh