Hồi đầu năm nay, khi đến làm việc tại Việt Nam, ông Viktor Linnik, Chủ tịch Tập đoàn Miratorg Agribusiness Holding - một trong những nhà cung cấp thịt gia súc và gia cầm lớn nhất Liên bang Nga cho biết, doanh nghiệp (DN) này có thể sẽ đẩy mạnh xuất khẩu (XK) thịt các loại vào thị trường Việt Nam với số lượng lớn và giá thành cạnh tranh.
Tham vọng của doanh nghiệp ngoại
Một số khảo sát cho thấy, Tập đoàn Miratorg chiếm đến hơn 80% giá trị và sản lượng thịt lợn nhập khẩu (NK) từ Nga vào Việt Nam ngay trong quý đầu tiên của năm 2020. Theo dự báo, năm nay Việt Nam có thể NK sản phẩm thịt lợn từ Nga với số lượng lên đến 50.000 tấn.
Những nhà cung cấp sản phẩm thịt của Mỹ không ngừng “mời chào” các nhà nhập khẩu ở Việt Nam. |
Còn hiện tại, một báo cáo thống kê mới đây cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2020, Nga cùng với Brazil, Canada, Mỹ và Ba Lan là những quốc gia dẫn đầu NK sản phẩm thịt vào Việt Nam.
Trong bối cảnh XK thịt lợn của Nga ra thị trường thế giới trong năm 2020 dự kiến đạt mức kỷ lục là 110.000 tấn, Việt Nam được ghi nhận là thị trường mới đầy triển vọng trong năm nay và các năm tiếp theo, khi một loạt công ty cung cấp thịt của Nga được cấp phép NK vào Việt Nam.
Cũng như Nga, hàng loạt DN lớn trong ngành thịt của Brazil đã thể hiện rõ sự quan tâm tới việc phát triển thị trường Việt Nam. Hồi năm ngoái, trị giá XK thịt lợn của nước này sang Việt Nam đạt 24,2 triệu USD, tăng 87% so với năm 2018, còn XK thịt gà đạt 24,5 triệu USD, tăng 16%.
Còn với Mỹ, ngay từ đầu năm nay đã có thông tin cho thấy, có tới 460 DN sản xuất thịt và sản phẩm thịt của nước này được cấp phép XK thịt vào Việt Nam.
Với Ba Lan, từ năm ngoái, nhằm hướng đến việc tận dụng ưu đãi thuế quan thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các nhà sản xuất thịt nước này liên tục đến Việt Nam tìm kiếm các DN NK thịt.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Janusz Rodziewicz, Chủ tịch Liên hiệp những Người giết mổ và Chế biến thịt xông khói của Ba Lan bày tỏ, các sản phẩm thịt và chế phẩm từ thịt của Ba Lan sẽ chinh phục được người tiêu dùng Việt.
Hiện nay, các DN của Ba Lan vẫn liên tiếp tìm đường để đưa các sản phẩm thịt lợn, bò, gà... thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt. Riêng với sản phẩm thịt lợn, bình quân mỗi tháng Việt Nam nhập gần 1.200 tấn từ Ba Lan.
Ngoài Ba Lan, một loạt DN cung cấp thịt từ các quốc gia khác trong EU cũng đang nhắm đến thị trường Việt Nam. Ông Piotr Ziemann, đại diện Chương trình quảng bá thực phẩm của các nước EU, từng chia sẻ là các DN EU đang đẩy mạnh việc quảng bá một số nhóm sản phẩm thịt tươi, thịt làm mát hay thịt đông lạnh đến người tiêu dùng Việt.
Nỗi lo mất “mỏ vàng”
Những tham vọng của các nhà cung cấp thịt ngoại nêu trên đã thể hiện rõ qua con số thống kê cho thấy, giá trị NK sản phẩm chăn nuôi tháng 10 ước đạt 273 triệu USD, lũy kế 10 tháng năm 2020 đạt 2,69 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo số liệu trước đó của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam NK 90,42 nghìn tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 214,78 triệu USD, tăng 357% về lượng và tăng 460,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Lý giải về "làn sóng" thịt NK trong những năm gần đây đã tràn vào thị trường Việt Nam - vốn được ví như “mỏ vàng”, giới phân tích nhận định, các DN nước ngoài đang nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới ở trong nước.
Đặc biệt là nhóm người có thu nhập cao ở khu vực thành thị, họ sẵn sàng chấp nhận chi trả nhiều hơn để đảm bảo mua được các loại thịt có chất lượng cao, nên dành nhiều thiện cảm hơn cho những sản phẩm thịt có nguồn gốc nước ngoài.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp sản phẩm thịt ngoại cũng tận dụng sự thiếu hụt về nguồn cung tại Việt Nam (điển hình như thịt lợn), nhất là khi tiến độ tái đàn lợn tại Việt Nam chậm hơn dự kiến một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Số liệu thống kê cho thấy, đến tháng 8 năm nay, tổng đàn lợn cả nước chỉ ở mức 24,9 triệu con, với 2,9 triệu con nái, tăng 23% và 7% so với cuối tháng 12/2019 – thời điểm bắt đầu tái đàn, nhưng vẫn thấp hơn mức tổng đàn 27,8 triệu con, với 3,7 triệu con nái hồi tháng 4 năm ngoái.
Có thể nói, việc tăng mạnh NK thịt ngoại nhiều năm nay và điển hình như trong năm 2020 là một thách thức lớn cho ngành chăn nuôi trong nước, khi khả năng cạnh tranh ngay trên “sân nhà” vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi nội địa vẫn còn lợi thế là phần lớn người tiêu dùng Việt (nhất là ở thị trường nông thôn) vốn chỉ sử dụng các sản phẩm thịt nóng (thịt tươi hàng ngày) do trong nước cung cấp và vẫn chưa quen với việc dùng các sản phẩm thịt lợn, bò, gà nhập khẩu chủ yếu là đông lạnh.
Thế nhưng, về lâu về dài, trước tham vọng của các nhà cung cấp sản phẩm thịt ngoại, liệu lợi thế này có còn hay không? Đây là dấu hỏi lớn cho ngành chăn nuôi Việt nếu không muốn đánh mất “mỏ vàng” ngay trên "sân nhà".
Thế Vinh