Mới đây, Bộ Công Thương dự báo một loạt khó khăn mà ngành đồ uống sẽ gặp phải như việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) gây áp lực tăng giá bán, dẫn đến sản lượng tiêu thụ giảm; sản lượng rượu bị cạnh tranh với các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc; trong lĩnh vực nước giải khát các hãng cạnh tranh nhau gay gắt; vấn nạn hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp (DN)…
Cạnh tranh khốc liệt
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tổ chức Business Monitor International (BMI) dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống sẽ duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm là 10,9% cho giai đoạn 2017-2019 nhờ thu nhập cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao.
Bộ Công Thương cho biết tháng 9 và 9 tháng năm 2018, sản xuất kinh doanh của ngành đồ uống cơ bản ổn định. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất duy trì mức tăng trưởng khá (tăng 8,8% so với cùng kỳ).
Về sản xuất, sản lượng bia các loại tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2017. Dự kiến tăng trưởng sản lượng sản xuất bia năm 2018 sẽ tăng khoảng 5-6% so với năm 2017. Trong bối cảnh nhiều thị trường đi ngang hoặc tăng trưởng âm, thị trường bia Việt Nam luôn là "mảnh đất" màu mỡ trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong đó, năm 2018 được dự báo thị trường sẽ sôi động do chính sách thoái vốn của Nhà nước và sự vào cuộc của các hãng bia nước ngoài.
Đơn cử, "đại gia" Thái Lan sau khi làm chủ Sabeco vẫn đang nhắm đến cổ phần của một số hãng bia khác. Heineken một mặt duy trì tăng trưởng, một mặt mở rộng sở hữu nhiều nhãn hiệu bia.
Theo số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường, thị phần bia Việt Nam đang do những DN lớn là Sabeco, Heineken, Habeco, Sapporo nắm giữ… Nhìn vào cục diện này có thể thấy thị phần đang do các nhà đầu tư ngoại chi phối. Theo đánh giá, bia ngoại phát triển mạnh nhờ tài chính tốt, kinh nghiệm quảng cáo, tiếp thị giỏi và thương hiệu nổi tiếng.
Ở phân khúc nước giải khát đóng chai, Coca – Cola, Pepsi, URC, Uni-President… vẫn tiếp tục là những "ông lớn" thống lĩnh thị trường, với thương hiệu nổi tiếng cùng tiềm lực tài chính mạnh, các "đại gia" đồ uống này nhanh chóng đánh bật những tên tuổi nội địa để chiếm ngôi đầu về thị phần đồ uống không cồn.
Ngoại trừ mảng trà đóng chai vẫn được giữ bởi Tân Hiệp Phát, những công ty từng nổi tiếng một thời như Chương Dương hay Tribeco đều lần lượt rút lui để nhường "sân chơi" cho những đối thủ ngoại.
Về phân khúc rượu, các loại rượu ngoại như Hennessy, Johnnie Walker, Chivas Regal cũng được nhập khẩu với số lượng lớn. Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu bia rượu từ hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó các thị trường nhập khẩu lớn nhất là Hà Lan, Thái Lan, Pháp, Hàn Quốc, Anh…
Điều này cho thấy với sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn, vốn dĩ để giành được thị phần, các DN trong nước đã rất khó khăn. Sắp tới, nếu việc tăng thuế TTĐB được thông qua, các DN đồ uống nội địa chắc chắn sẽ càng khó khăn.
Cạnh tranh trên thị trường đồ uống chưa bao giờ dễ dàng đối với DN nội |
Yếu không chỉ vì thuế
Tại Dự thảo nội dung sửa đổi bổ sung Luật Thuế TTĐB, Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ Tài chính đề xuất đối với nước ngọt có đường áp dụng mức thuế suất TTĐB là 10% và nâng thuế VAT thêm 2%, áp dụng từ năm 2019.
Không đồng tình với đề xuất như vậy, bà Mai Thị Tấn, CTCP Sản xuất và kinh doanh đồ uống Thảo Mộc, cho biết DN này sản xuất rượu vang từ cây dược liệu Hibiscus – rất tốt cho sức khỏe như giúp trẻ hóa cơ thể, giảm nguy cơ ung thư, nhưng phải đóng tới 35% thuế TTĐB. Nói nôm na là doanh thu 100 triệu đồng thì mất 35 triệu đồng tiền thuế, đối với người sản xuất là vô cùng khó khăn.
"Cơ quan quản lý đề xuất đánh thuế nước ngọt, các loại nước cốt quả rất có lợi cho sức khoẻ sao lại bảo là gây béo phì mà áp thuế? Béo phì còn do khẩu phần ăn, chứ đâu chỉ do nước ngọt. Hơn nữa, DN trong nước vốn dĩ tài chính yếu, nay lại càng khó khăn hơn – sản phẩm mới muốn người dùng biết đến thì giá phải rẻ, có lợi thế cạnh tranh với DN ngoại", bà Tấn nói.
Đang có ý định đưa ra thị trường các sản phẩm trà uống liền, ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc công ty TNHH Thế Hệ Mới (Trà Cozy), cho biết việc đánh thuế TTĐB đối với trà uống liền là không hợp lý.
Theo ông Tuân, Nhà nước đang kêu gọi gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp thông qua chế biến sâu. Việc chế biến, đóng gói trà dạng túi hoặc chai uống liền là nâng cao giá trị gia tăng, đáng lẽ ra Bộ Tài chính nên hoan nghênh ủng hộ chứ không thể áp thuế mới.
Hơn nữa, theo các DN ngành đồ uống, việc đối mặt với quá nhiều mức thuế nâng lên liên tục trong 4 năm qua khiến DN vô cùng khó khăn, hàng tồn kho nhiều. Với đà này, chắc chắn DN sẽ lỗ nặng vì thuế tăng cao mà sản phẩm thì không thể tăng giá. Bởi không chỉ cạnh tranh với sản phẩm trong nước, DN còn phải đối mặt với sự đổ bộ của nhiều "đại gia" ngành đồ uống nước ngoài. Lúc này mà tăng giá thì chẳng khác gì "mua dây buộc mình".
Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho biết việc áp thuế TTĐB đối với nước ngọt và tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Vì vậy, VBA một lần nữa đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét thấu đáo, có những quy định phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN không ngừng phát triển, xây dựng được thương hiệu và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, để khắc phục khó khăn mà các DN đồ uống đang gặp phải, VBA đề nghị các DN không ngừng cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Ở góc độ chuyên gia, ông Bùi Quang Tín, thành viên Đoàn Luật sư Tp.HCM, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, cũng cho rằng điểm yếu của các DN đồ uống Việt Nam là chưa có khả năng chuyển đổi đủ để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như chi phối và trụ vững tại thị trường nội địa.
Mặt khác, các DN đồ uống Việt phần lớn có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn và kinh nghiệm quản trị; tư duy ngắn hạn, thiếu liên kết với nhau, cũng như thiếu liên kết trong việc xây dựng chuỗi sản xuất.
Đặc biệt, DN Việt chậm thay đổi mẫu mã, khiến hàng hóa bị giảm sức cạnh tranh. Trong khi đó, ngành đồ uống phục vụ phần lớn nhu cầu của những người trẻ tuổi – luôn cần sự thay đổi và mẫu mã bắt mắt.
Trước thực tế trên, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các DN trong ngành cần chủ động tiết giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.
Lê Thúy
Ông Võ Văn Quang - Chuyên gia Thương hiệu Thắng thua trong ngành bia nói riêng và ngành đồ uống nói chung phụ thuộc vào bí quyết marketing chứ không hẳn do vấn đề tài chính, công thức sản phẩm. Các DN giành giật thị phần ở cả kênh truyền thống lẫn nhà hàng, quán nhậu nhưng hơn nhau ở việc định vị đúng phân khúc, xây dựng thương hiệu đúng đẳng cấp khách hàng. Ông Shivam Misra - Đại diện Hiệp hội Rượu mạnh, rượu vang châu Âu Ngành đồ uống của Việt Nam phát triển khá nhanh. DN châu Âu nhìn nhận Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, vì vậy thời gian tới, DN châu Âu sẽ tham gia mạnh mẽ vào thị trường đồ uống Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA Hội nhập không thể cấm cản DN ngoại và bảo hộ DN nội. Hội nhập là sân chơi bình đẳng, công bằng và có đào thải. DN đồ uống trong nước muốn phát triển ổn định, cạnh tranh tốt đòi hỏi phải cơ cấu lại mọi mặt. |