Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã cấp phép nhượng quyền cho 10 công ty nước ngoài vào Việt Nam. Đáng chú ý, trong 10 thương hiệu này có tới 4 thương hiệu thuộc ngành đồ uống.
Mới đây nhất, thương hiệu cà phê và dịch vụ của nhà bán lẻ sản phẩm cà phê Wayne Och Margaretas Coffee đến từ Thụy Điển đã được nhượng quyền tại Việt Nam, trước đó là thương hiệu kinh doanh trà và đồ uống KF Tea Franchising LLC (Mỹ), thương hiệu kinh doanh đồ uống không cồn nhãn hiệu Cha For Tea (Đài Loan – Trung Quốc) và thương hiệu Founder Rou Gu Chan International Franchise Pte Ltd (Singapore).
Nở rộ nhượng quyền
Cũng theo thống kê của Bộ Công Thương, tính từ năm 2007 đến nay, đã có 206 DN với hàng trăm nhãn hiệu được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam với nhiều mô hình kinh doanh như kinh doanh quần áo thời trang và phụ kiện; dịch vụ xoa bóp, massage; dịch vụ bất động sản…, nhưng nhiều nhất vẫn là các thương hiệu đồ uống.
Thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hằng năm 20%, vì thế không riêng trà sữa của Đài Loan là Gong Cha, Dingtea, Uncle Tea, OneZo, Coco mà mô hình trà sữa ở nhiều nước khác cũng đổ vào Việt Nam, phải kể tới như Meet&More (Hàn Quốc), Ryucha (Nhật Bản), Chamichi, Milktea Guy (Thái Lan).
Theo ông Sean T.Ngo, CEO của VF Franchise Consulting – công ty tư vấn nhượng quyền, với hơn 93 triệu dân, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh trên thế giới, các nhà nhượng quyền đã nhận thấy được những cơ hội đáng kể trong chi tiêu của người tiêu dùng ở Việt Nam, đặc biệt trong ngành thực phẩm và đồ uống.
Tổ chức giám sát kinh doanh quốc tế (BMI) cũng dự báo tốc độ tăng trưởng ngành thực phẩm và đồ uống sẽ cao hơn trong giai đoạn 2016-2019, trong đó khả năng ngôi hạng thứ ba châu Á sẽ thuộc về Việt Nam.
Cùng với đó, báo cáo về nhóm sản xuất đồ uống 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Công Thương cho biết, chỉ số sản xuất duy trì mức tăng trưởng khá. Ngành sản xuất đồ uống tăng 9,3% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng bia các loại tăng 8,7%.
Vì vậy, không chỉ bùng nổ ở thị trường nhượng quyền thương mại, các sản phẩm đồ uống đóng chai nhập khẩu cũng đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam.
Thực tế, với thị trường bia rượu, xu hướng dùng hàng cao cấp đang tăng trưởng mạnh mẽ hiện nay, các DN sản xuất và các nhà phân phối trong nước đã nhập khẩu hàng loạt thương hiệu bia rượu nổi tiếng trên thế giới có giá trị cao.
Bên cạnh các dòng bia ngoại như Heineken, Chang, Budweiser, Singha…, các loại rượu như Hennessy, Johnnie Walker, Chivas Regal cũng được nhập khẩu với số lượng lớn.
Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu bia rượu từ hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó những thị trường nhập khẩu lớn nhất là Hà Lan, Thái Lan, Pháp, Hàn Quốc, Anh…
Tuy nhiên, với mức tăng trưởng của thị trường bia rượu được đánh giá là cao nhất thế giới hiện nay, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển ngành này.
Đặc biệt, vụ thoái vốn 53,59% của Tổng công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã mở ra một hướng đi mới cho ngành bia-rượu Việt Nam và thúc đẩy sự tăng trưởng toàn ngành khi DN tiếp theo nối bước Sabeco sẽ là Tổng công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Mức độ cạnh tranh trong ngành đồ uống ngày càng khốc liệt |
Khó khăn níu sức cạnh tranh
Dự báo tăng trưởng sản lượng sản xuất bia năm 2018 khoảng 5-6% so với năm 2017 do có thêm các dự án đầu tư mới của các công ty bia đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, thị trường ngành bia năm 2018 dự báo sẽ rất sôi động do chính sách thoái vốn của Nhà nước và sự vào cuộc của các hãng bia nước ngoài.
Tuy nhiên, những thách thức trong tương lai với ngành bia – rượu không hề nhỏ khi lượng bia, rượu nhập khẩu về Việt Nam ngày càng tăng… Điều này buộc các DN nội địa phải nâng cấp cả về chất lượng, mẫu mã và chủng loại sản phẩm để có vị trí vững chắc trong ngành.
Hơn nữa, theo ông Nguyễn Hữu Lộc, Giám đốc công ty CP Bia Sài Gòn – Hà Nội, thời gian qua, mức độ thâu tóm của các DN nước ngoài đối với các DN sản xuất – kinh doanh đồ uống trong nước ngày càng nhiều. Trong 5 năm vừa qua, mức độ cạnh tranh trong ngành đồ uống chưa bao giờ lại khốc liệt như vậy, sự cạnh tranh đến mức thôn tính, sáp nhập nhiều DN.
Nguyên nhân được ông Lộc chỉ ra là ở lĩnh vực phân phối, thị trường bán lẻ cạnh tranh rất khốc liệt do chính sách của các hãng ngoại muốn thôn tính thị trường Việt Nam rất linh hoạt mà DN nội không thể chạy đua. Quan trọng nhất là uy tín, thương hiệu của DN nội thua kém với các hãng nước ngoài.
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, ngành sản xuất đồ uống có thể gặp phải một số khó khăn như: việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt gây áp lực tăng giá bán, dẫn đến sản lượng tiêu thụ giảm; sản phẩm rượu bị cạnh tranh với các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc; trong lĩnh vực nước giải khát: các hãng cạnh tranh nhau gay gắt; vấn nạn hàng giả hàng nhái cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN…
Trước tình hình này, các DN trong ngành cần chủ động tiết giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Riêng đối với mặt hàng nước giải khát, tại các hệ thống bán lẻ hiện đại và truyền thống, nước uống đóng chai của các nước như Pháp, Úc, Malaysia, Thái Lan… có mặt đầy đủ trên quầy kệ siêu thị với số lượng lớn.
Những DN đồ uống như Vinamilk, Tân Hiệp Phát… dù được coi là lớn ở thị trường trong nước nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với những tập đoàn đồ uống nổi tiếng trên thế giới như Coca – Cola, Pepsi, URC.
Các chuyên gia cho rằng việc chậm thay đổi mẫu mã hàng hóa cũng là một điểm bất lợi khiến các DN Việt giảm sức cạnh tranh, trong khi người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi hơn về chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, với mức thu nhập đang ngày càng gia tăng của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng, nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm mới, có thương hiệu cao cấp, sản phẩm có lợi cho sức khỏe đang ngày càng tăng.
Do đó, các DN thực phẩm và đồ uống cũng cần chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển những dòng sản phẩm thực sự cao cấp thuộc phân khúc này để đón đầu thị trường.
Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát, cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt và tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.
"Vì vậy, một lần nữa, Hiệp hội đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét thấu đáo, có những quy định phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN không ngừng phát triển, xây dựng được thương hiệu và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng", ông Vỵ kiến nghị.
Bên cạnh đó, để khắc phục khó khăn, ông Vỵ đề nghị các DN trong nước không ngừng cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Lê Thúy
Ông Lê Phụng Hào - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam Muốn có được vị trí trên thị trường đồ uống, các DN Việt cần tìm sự khác biệt với sản phẩm riêng. Sản xuất ra các loại đồ uống có nguồn nguyên liệu hoa quả đặc thù của Việt Nam như vải, xoài…, hay đưa ra sản phẩm dành cho phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình – học sinh, sinh viên là cách mà các DN Việt nên làm trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Ông Vũ Xuân Hưng - Phó trưởng Phòng Pháp chế, VCCI tại Tp.HCM Thời gian tới, thuế nhập khẩu đồ uống sẽ giảm về 0%, cùng với đó là vấn nạn hàng nhập lậu, hàng giả sẽ khiến các DN đồ uống trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, hơn ai hết, DN trong nước cần phải nỗ lực hơn nữa nếu không muốn bị loại khỏi "cuộc chơi". Ông Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Hội nhập ngày càng sâu rộng, các DN nội phải chấp nhận cùng cạnh tranh giành thị phần với DN ngoại trên chính sân nhà. Cuộc cạnh tranh này chắc chắn sẽ không cân sức khi DN ngoại có bao bì, mẫu mã bắt mắt. Đồng thời, họ nhắm đến cả hệ thống phân phối để đưa hàng của mình vào kênh bán lẻ như các DN đồ uống Thái Lan nhắm vào Big C, Mega Market. |