Năm 2022, dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 10-12%, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 4 tỷ USD, tăng khoảng 100 triệu USD so với năm 2021 (đạt 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020).
Nguồn tôm bố mẹ chủ yếu phải nhập khẩu
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), riêng 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 550 triệu USD, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm các sản phẩm thuộc ngành thuỷ sản.
Ngành tôm Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào tôm bố mẹ nhập khẩu. |
Cùng với Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Ecuador, Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu xuất khẩu tôm của thế giới (kim ngạch xuất khẩu tôm năm ngoái của Việt Nam đạt 3,9 tỷ USD, trong khi Ấn Độ đạt 4,3 tỷ USD, Indonesia là 3,7 tỷ, Thái Lan dưới 1 tỷ và Ecuador là 4,2 tỷ USD). Tuy nhiên, việc sản xuất tôm giống để phục vụ nuôi thương phẩm, Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu.
Tổng thư ký VASEP đánh giá năm 2022, nguyên liệu tôm đủ cho chế biến nhưng giá tăng hơn do các yếu tố đầu vào sẽ biến động phức tạp. Các thị trường lớn nhất sẽ nhanh phục hồi nhu cầu, trừ Trung Quốc vẫn cần thêm thời gian.
Tuy nhiên, khả năng lạm phát sẽ làm giá thành sản xuất tăng, làm tăng giá bán và làm suy yếu tốc độ tăng đơn hàng. Căng thẳng xung đột Nga - Ukraine tác động mạnh đến chi phí cũng như hoạt động logistics sẽ là một thách thức không nhỏ cho tăng trưởng xuất khẩu tôm.
Đại diện Sở NN&PTNT Ninh Thuận chia sẻ mỗi năm địa phương này phải nhập khẩu khoảng 100 nghìn tôm bố mẹ từ thế giới - một con số rất lớn. Chưa kể việc nhập khẩu từ thị trường thế giới nhiều khi rơi vào tình cảnh chi phí vận chuyển đắt đỏ, chất lượng không đảm bảo, nguồn cung không được đáp ứng kịp thời.
Vị này cho biết hiện trong nước có 2 doanh nghiệp cung cấp tôm bố mẹ nhưng không cung cấp được ra ngoài nhiều (Công ty Việt Úc không bán ra ngoài). Vì vậy, nguồn tôm bố mẹ chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu.
"Ngành tôm muốn đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD thì phải chủ động được tôm bố mẹ", đại diện Sở NN&PTNT Ninh Thuận nhấn mạnh.
Đề tài nghiên cứu không phải để... "đút ngăn kéo"
Theo báo cáo từ Tổng cục Thủy sản, năm 2021, các cơ sở nhập khẩu 240.273 tôm thẻ chân trắng bố mẹ (bằng 95,1% so với năm 2020) và 532 con tôm sú bố mẹ (bằng 100% so với năm 2020).
Trong khi đó, trong nước sản xuất được 21.000 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 20.000 con tôm sú bố mẹ (bằng 100% so với năm 2020). Cả nước có 2.063 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; sản lượng tôm giống ước đạt 144,5 tỷ con (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020).
Theo Tổng cục Thủy sản, tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất.
Giá thành sản xuất tôm ở nước Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện); giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu cao.
Bên cạnh đó, xuất hiện một số thách thức mới về xuất khẩu. Theo điều tra của Liên minh Thủy sản toàn cầu (GAA), sản lượng tôm của thế giới năm 2021 tăng khoảng 8,9% so với năm 2020 và dự đoán năm 2022 vẫn tiếp tục tăng, sẽ gây ra những thách thức, tác động rất lớn đối với ngành tôm Việt Nam.
Cụ thể, cạnh tranh tại thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam trở nên gay gắt hơn, giá tôm nguyên liệu thế giới có xu hướng giảm, sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm...
Theo đó, Tổng cục Thủy sản đề nghị các viện nghiên cứu, trường đại học khẩn trương triển khai các nhiệm vụ khoa học chọn tạo tôm giống, xây dựng các quy trình công nghệ mới hiệu quả, thân thiện với môi trường để người dân, doanh nghiệp áp dụng.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, việc mỗi năm phải nhập khẩu hơn 200 nghìn tôm bố mẹ, chưa chủ động nguồn giống khiến ông trăn trở, day dứt. Thời gian tới, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp phải mở được chiếc khoá này, chủ động được nguồn giống, kiểm soát dịch bệnh.
"Tại sao con giống của nước ngoài bán 6 USD mà người ta vẫn mua, của mình rẻ hơn 1/10 nhưng họ không mua? Người ta mua của nước ngoài vì chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đạt 95%, mình chỉ 50%. Tuy đắt hơn nhưng hiệu quả cao hơn", ông Tiến nói.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu cần đẩy mạnh nghiên cứu giống cho ngành tôm, đề tài nghiên cứu phải triển khai trên thực tế chứ không phải nghiệm thu xong là... đút ngăn kéo!
Ông Tiến nhấn mạnh: "Muốn hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD thì ngành tôm cần phải chủ động được con giống. Chúng ta phải trăn trở với khó khăn, thách thức, thay vì phụ thuộc bên ngoài. Nhập khẩu sẽ bị động khi xảy ra dịch bệnh, chiến tranh, cũng như phải mua giá cao...".
Bên cạnh đó, ngành tôm cần phải hình thành chuỗi chăn nuôi để liên kết với nhau nhằm hạ giá thành sản phẩm. "Chúng ta phải hiểu rằng không thể tự mình mang sản phẩm ra chợ thế giới được, mà người chăn nuôi cần phải liên kết với nhau thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp. Việc xây dựng chuỗi chính là môi trường để thu hút doanh nghiệp đầu tư", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đặt ra yêu cầu.
Nhật Linh