Nói về thị trường tiêu thụ tôm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết hiện tại nhu cầu về tôm mà công ty đã ký hợp đồng rất là lớn. Cho nên từ giờ đến cuối năm 2021 không lo là không bán được.
Nhu cầu tiêu thụ tăng cao
Đơn cử như với thị trường Mỹ hiện đang mở cửa trở lại, nới lỏng giãn cách xã hội, nên nhu cầu tiêu thụ tôm (đặc biệt là với loại size lớn) rất mạnh. Doanh nghiệp (DN) này đã nhận nhiều được nhiều đơn đặt hàng từ thị trường này và giá rất tốt, có thể mang lại lợi nhuận 15% - 20%.
Các nhà máy chế biến tôm đang giảm công suất giữa Covid-19 đợt 4 nhưng lại lo thiếu hụt nguyên liệu. |
Thế nhưng, theo ông Quang, vấn đề đáng lo là không thể chế biến được dù cho giá bán tăng liên tục. Nhu cầu trên thị trường quốc tế đang rất mạnh, phía công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu (XK) đến hết năm nay, tuy nhiên các nhà máy đang sản xuất được 50% công suất nên không đủ cung cấp cho khách hàng.
“Khách hàng đòi ký hợp đồng rất nhiều nhưng chúng tôi cũng không dám ký, chỉ có thể ký ở mức độ vừa phải. Nhưng nếu như hết giãn cách xã hội, trở lại phục hồi sản xuất bình thường thì chúng tôi sẽ tăng tốc tối đa công suất”, ông Quang nói.
Nói ra điều này, như chia sẻ của vị chủ tịch của Minh Phú, là để những người nuôi tôm yên tâm thả giống (nhất là loại có size lớn) và đến tháng 11 thì phải thu hoạch để kịp XK vào thị trường EU và Mỹ nhằm phục vụ cho khách hàng tiêu thụ trong mùa Noel. Còn nếu để kéo dài thu hoạch qua tháng 12 thì chỉ có thể xuất bán ở thị trường châu Á.
Trong tháng 8/2021 vừa qua sản lượng tôm chế biến của Minh Phú đã sụt giảm 30,8% và giá trị XK giảm 17,74% so với cùng kỳ năm trước. DN này đang gặp khó ở khâu chế biến vì thiếu công nhân, chi phí sản xuất tăng cao, hàng hóa lại vận chuyển khó khăn.
Khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” trong đợt dịch Covid-19 lần 4 này thì số lượng công nhân tại các nhà máy chế biến của họ chỉ đạt 25%. Như ở Cà Mau chỉ còn hoạt động với 1.600 công nhân so với tổng số 7.000 công nhân trước đó. Nhà máy chế biến tôm của DN này ở Hậu Giang hiện cũng chỉ duy trì được 1.300 công nhân so với 6.000 công nhân như trước kia.
Không chỉ với DN nêu trên, đây là tình hình chung của của các DN chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu - ba địa phương dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước khi hiện tại đã phải giảm công suất chế biến 60-70% do thiếu hụt công nhân giữa đại dịch, lại chịu áp lực chi phí tăng cao với phương thức “3 tại chỗ”.
Tuy tín hiệu thị trường XK tôm từ nay đến cuối năm rất khả quan, nhưng các DN chế biến và XK tôm đang băn khoăn là vấn đề về nguồn tôm nguyên liệu, nếu như người nuôi chậm thả tôm giống thì sẽ thiếu nguồn để chế biến đáp ứng đơn hàng.
Khúc mắc ở nguyên liệu
Dự báo quý 4 năm nay, nguyên liệu tôm sẽ bị thiếu trầm trọng và giá tiêu thụ sẽ phục hồi mạnh, nhất là tôm cỡ lớn. Do vậy, việc đảm bảo ổn định hoạt động nuôi tôm là rất cần thiết.
Tình hình hiện nay cho thấy hoạt động thả nuôi tôm đang có chiều hướng giảm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên do là vì DN thu mua, chế biến, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19 dẫn đến tâm lý e ngại của người nuôi.
Trong khi đó, giá tôm tại Cà Mau hiện giảm liên tục, thậm chí giảm tới 30% so với thời điểm trước dịch. Giá tôm giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến tình hình thả giống nuôi tôm tại Cà Mau, hiện chỉ đạt khoảng 30-40% diện tích thả nuôi vụ mới. Giá tôm tại Bạc Liêu cũng giảm tới 40-50%, khiến người nuôi tôm điêu đứng.
Giá tôm giảm là vì DN giảm thu mua tôm nguyên liệu do giảm công suất chế biến bởi hoạt động “3 tại chỗ”. Vì vậy làm cho người nuôi lo lắng giảm thả nuôi.
Giới chuyên gia nhận định thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ tôm tăng nên DN và hộ nuôi tôm cần có sự tính toán phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp để cung ứng nguồn tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Đặc biệt là các hộ nuôi tôm nên nắm bắt thông tin thị trường tiêu thụ nhằm triển khai việc thả nuôi tôm hợp lý, đảm bảo lợi nhuận tốt sau thu hoạch… Nhất là người nuôi cần tham gia chuỗi liên kết để vượt qua khó khăn. Về phía cơ quan quản lý cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thu mua tôm, thu mua, vận chuyển, cung ứng vật tư đầu vào… để tiếp tục tái sản xuất.
Theo giới chuyên gia, dù thị trường XK tôm đang thuận lợi nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ khó có thể duy trì trong những tháng cuối năm nay do ảnh hưởng của lệnh giãn cách, chi phí sản xuất tăng. Và kim ngạch XK tôm những tháng cuối năm nay phụ thuộc nhiều vào tốc độ và khả năng kiểm soát dịch bệnh.
Theo ông Võ Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), trong lúc này chuỗi ngành tôm cần xác định rõ khó khăn lớn nằm ở vấn đề nào và cần sớm tháo gỡ cho đúng chỗ. Khi tháo gỡ đúng chỗ thì sẽ mang lại hiệu quả hơn cho chuỗi ngành tôm.
Chẳng hạn như với mảng chế biến tôm XK, theo ông Huy, điều mà DN lo lắng nhất chính là tâm lý bất an của người nuôi khi họ hạn chế thả tôm giống. Điều này dẫn đến việc thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến. Người làm giống tôm và người nuôi tôm đang bất ổn, cần nhận định rõ tình hình này để sớm tháo gỡ cho hiệu quả.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.