Bà Thúy Phạm, Giám đốc điều hành của Fado Go (một nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới ứng dụng blockchain - công nghệ dữ liệu sáng tạo), cho biết thời gian tới sẽ phát triển mạng lưới có thể kết nối hàng triệu người tiêu dùng cùng với các nhãn hàng Việt, những người ảnh hưởng (KOL), các công ty logistics, giao nhận…thông qua công nghệ blockchain.
Mảnh đất màu mỡ
Và để khai phá một trong những hướng đi sáng tạo cho các nhãn hàng Việt, bà Thuý Phạm đã đề cập đến mảng thể thao điện tử (ESport) là thị trường rất tiềm năng cho thương mại điện tử (TMĐT).
“Những dữ liệu thống kê cho thấy thị trường Việt Nam khá hấp dẫn cho thể thao điện tử vì ở Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ nhất khu vực Đông Nam Á. Và tỷ lệ người chơi game ở Việt Nam cũng đứng vị trí cao trên thế giới, với 1/3 dân số có chơi một số game trong mảng thể thao điện tử”, vị giám đốc của Fado Go nói.
Mảng thể thao điện tử được ví như “mảnh đất màu mỡ”, có thể mở ra hướng đi sáng tạo mới cho các nhãn hàng Việt tiếp cận nguồn khách hàng như mong muốn. |
Chính vì vậy, chia sẻ mới đây tại buổi ký kết hợp tác giữa Fado Go với V Gaming Esport (được thành lập với mục tiêu trở thành tổ chức thể thao điện tử chuyên nghiệp của Việt Nam), bà Thuý Phạm cho rằng công nghệ thể thao điện tử là “mảnh đất rất màu mỡ” để mở ra cơ hội cho các nhãn hàng Việt nhằm thu hút khách hàng mới, nhất là giới trẻ.
“Chúng tôi sẽ tập trung khai phá những hướng đi sáng tạo để các nhãn hàng, doanh nghiệp (DN) có thể tận dụng ESport kết hợp với TMĐT nhằm thu hút khách hàng và bắt kịp dấu ấn văn hoá đại chúng mới của thể thao điện tử đang dần khẳng định vị thế tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới”, bà Thuý Phạm nhấn mạnh.
Theo giới chuyên gia, trò chơi trên thiết bị di động (game di động) trong mảng thể thao điện tử có thể mở ra hướng đi mới trong hoạt động tiếp thị (marketing) cho DN và giúp các thương hiệu Việt tiếp cận đối tượng khách hàng mong muốn.
Các tác động của đại dịch Covid-19 tuy gây ra tiêu cực đến một số ngành nghề nhưng lại là động lực cho game di động phát triển. Xu hướng này mở ra cơ hội to lớn để các thương hiệu Việt khai thác trải nghiệm khách hàng.
Một thống kê cho thấy, có 85% người sử dụng Internet ở Việt Nam có chơi game di động (nguồn: Hootsuite - một ứng dụng hỗ trợ người dùng quản lý các mạng xã hội). Đây là cơ hội tốt để các marketer (người làm marketing) kết nối với người tiêu dùng.
Ngoài ra, những người tích cực sử dụng mạng xã hội có thể trở thành đại sứ cho thương hiệu ngay cả khi họ không chơi game từ lâu. Marketer có thể xây dựng nội dung cho game di động để có thể vừa nâng cao chất lượng thời gian sinh hoạt gia đình, vừa giảm stress cho các bậc phụ huynh làm việc tại nhà.
Quan trọng là sáng tạo
Giới chuyên gia gợi ý các marketer của Việt Nam nên cân nhắc đưa game di động vào chiến lược xây dựng thương hiệu dài hạn thay vì chỉ là các thủ thuật marketing ngắn hạn.
Nhất là có nhiều game di động cung cấp dữ liệu hữu ích về hành vi người tiêu dùng. Dựa trên dữ liệu này, marketer có thể xác định những hình thức quảng bá và truyền thông nào là phù hợp cho từng thời điểm.
Mặt khác, nên tích hợp game di động vào các nền tảng mạng xã hội để khuyến khích tương tác xã hội khi chơi game. Marketer nên chú ý hơn vào đoạn cuối của phễu tiếp thị điện tử (digital marketing funnel) để cải thiện lòng trung thành của khách hàng thông qua game di động.
Ngoài xu hướng nêu trên, bàn về hướng đi sáng tạo cho các nhãn hàng Việt, nhóm nghiên cứu của đại học RMIT lưu ý yếu tố ảnh hưởng đến việc người tiêu dùng Việt mua sắm tại một thương hiệu phụ thuộc vào thương hiệu đó và bản thân họ.
Như đánh giá từ Hofstede (một khuôn khổ cho giao tiếp giữa các nền văn hóa - PV), vì Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa tập thể, KOL - người có sức ảnh hưởng và bằng chứng xã hội vẫn đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, từ tác động của đại dịch Covid-19 làm cho các kênh truyền thông mới như Zoom, Teams và TikTok đang tăng trưởng mạnh và thay đổi cách người tiêu dùng Việt giao tiếp, từ đó ảnh hưởng đến kỳ vọng trong cách thương hiệu cá nhân hoá thông điệp và tương tác với họ.
Vì thế, cách truyền thông, tiếp cận với người tiêu dùng cũng vì vậy mà sẽ cần thay đổi – trực tuyến, tiện dụng và mang tính giải trí – để theo kịp xu hướng này.
Chẳng hạn như với lĩnh vực thời trang của Việt Nam, Giáo sư Julia Gaimster, Trưởng Khoa Truyền thông và Thiết kế thuộc đại học RMIT, cho rằng người tiêu dùng dần yên tâm hơn với TMĐT cũng như cách tương tác mới với thương hiệu thông qua hình thức phát trực tuyến và môi trường trực tuyến.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia truyền thông và thiết kế của RMIT, việc thay đổi hành vi buộc phải tăng tương tác với công nghệ do đại dịch mang tới đang dẫn dắt các xu hướng thời trang.
Hơn thế nữa, với các nhãn hàng thời trang Việt, sáng tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trên các kênh mua sắm trực tuyến không kém trực tiếp để tiếp cận người tiêu dùng trên suốt hành trình từ mua sắm trên các kênh bán hàng, đến quá trình xây dựng thương hiệu và hoạt động kinh doanh của bất kỳ công ty nào.
Thế Vinh