Ông Nguyễn Hạnh Long, giám đốc một doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chuyên sản xuất mì ống, mì sợi ở huyện Bình Chánh (Tp.HCM), cho biết trong tổng doanh thu hiện nay của công ty thì kênh phân phối truyền thống chỉ chiếm 40%, còn 60% đến từ kênh thương mại điện tử (TMĐT). Riêng với kênh siêu thị do vẫn đang thăm dò và từng bước tiếp cận nên chưa ghi nhận doanh thu.
Kênh truyền thống vẫn “phủ sóng”
Theo ông Long, sản phẩm mì sợi của công ty được chế biến từ rau củ quả vừa ra mắt thị trường lại đụng ngay mùa dịch Covid-19 nên lúc đầu không thể phân phối qua kênh truyền thống và bắt buộc xoay dần bằng cách bán trực tuyến (online).
Chính nhờ vậy mà sản phẩm được biết đến nhiều hơn, và sau đó khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, từ online người mua đã chuyển sang đi tìm mua sản phẩm qua kênh truyền thống.
Do lượng sức mình có hạn nên một số DN nhỏ và vừa vẫn chọn kênh phân phối truyền thống. |
Khi đưa sản phẩm vào hệ thống các đại lý bán lẻ truyền thống, ông Long nói rằng sẽ biết được mặt hàng mì rau củ của mình có được thị trường chấp nhận hay không. Như hiện tại, sản phẩm qua các đại lý tiêu thụ rất nhanh, với mỗi tháng khoảng 10.000 - 30.000 gói mì ống, mì sợi từ rau củ quả, không có bị tồn kho.
Riêng với kênh siêu thị, như băn khoăn của vị giám đốc này, công ty vẫn chưa thể mạo hiểm để đưa hàng vào vì sợ hàng tồn nhiều sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn nhỏ nhoi của mình.
Còn theo ông Nguyễn Nam Trung, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Biển Phương (Tp.HCM) - chuyên sản xuất thực phẩm, đầu ra của công ty hiện chủ yếu vẫn qua các đại lý và hệ thống buôn bán lớn ở các địa phương. Cho nên, doanh thu từ kênh phân phối truyền thống này đang chiếm hơn 90%.
Ông Trung cho biết do nguồn lực hạn chế, chưa có thời gian đến đẩy mạnh hàng hoá vào kênh online, nên doanh thu từ kênh này vẫn còn rất thấp. Mặt khác, công ty đang muốn đa dạng sản phẩm và nâng chất lượng dòng sản phẩm lên cao hơn thì khi đó sẽ tập trung nhiều để phân phối qua kênh online vì đó là xu thế tất yếu.
Trong khi đó, ở góc độ của một DN chế biến hạt điều, ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (ở tỉnh Bình Phước), cho biết kênh bán hàng thông qua các chuỗi siêu thị đang chiếm khoảng 90% tổng doanh thu của công ty.
Với gần 10% doanh thu còn lại, theo ông Đạt, phần lớn là đến từ kênh bán hàng trực tuyến từ các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Sendo, Shopee… Kênh bán hàng này đang có sự bổ trợ qua lại khá hiệu quả với kênh siêu thị. Trong khi đó, việc bán hàng qua các đại lý, tạp hoá, quán ăn, nhà hàng, khách sạn trong 2 năm nay khá chậm chạp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhân bàn về chuyện lựa chọn kênh phân phối của các DN vừa và nhỏ, cũng nên tham khảo báo cáo mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me về xu hướng bán lẻ trong năm 2022. Theo đó, kênh truyền thống vẫn đang thống lĩnh thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể đang dần thay đổi với sự mở rộng từ kênh hiện đại (MT).
“Bắt nhịp” trước thay đổi cách mua sắm
Theo Q&Me, các cửa hàng tiện lợi chứng kiến sự tăng trưởng tốt trong năm 2022 nhờ Bách Hóa Xanh và Winmart+. Chuỗi nhà thuốc tây phát triển mạnh và hiện có hơn 2.000 nhà thuốc trên toàn quốc, nhân tố chính quyết định sự tăng trưởng là Pharmacity, Long Châu, và An Khang Pharmacy.
Bên cạnh đó, các chuỗi cửa hàng MT tập trung hơn vào mảng online, trong đó các sản phẩm công nghệ, điện tử được mua nhiều qua web trong khi ứng dụng di động được ưu tiên sử dụng để mua sắm các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, mẹ và bé.
Bàn về việc lựa chọn kênh phân phối của các DN nhỏ và vừa hiện nay, giới chuyên gia lưu ý mỗi DN cần thiết lập một hệ thống kênh phân phối cho riêng mình. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng xây dựng được kênh phân phối hiệu quả.
Nhất là, nếu lựa chọn kênh phân phối không phù hợp sẽ dẫn đến việc không đạt được mục tiêu kinh doanh, không thể đưa sản phẩm đến với khách hàng, không thể quảng bá được sản phẩm hoặc không đáp ứng được chỉ tiêu, dẫn đến doanh số không như kỳ vọng.
Đơn cử như một DN kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng đã chọn các nhà thuốc bán lẻ là kênh phân phối chính, song song đó là bán hàng online. Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm khi chọn phân phối chủ yếu theo kênh thông thường mà thiếu đi kênh chuyên biệt (ở bệnh viện và các đối tác phân phối có kinh nghiệm) và do giá sản phẩm cao nên doanh thu không đạt như kỳ vọng đã đặt ra trước đó.
Bên cạnh việc lựa chọn kênh phân phối, giới chuyên gia cho rằng người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi cách mua sắm sau tác động của đại dịch Covid-19, cho nên các DN vừa và nhỏ cũng cần thay đổi cách truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm với người tiêu dùng một cách phù hợp hơn.
Theo nhóm nghiên cứu của đại học RMIT, do dịch Covid-19 nên các kênh truyền thông mới như Zoom, Teams và TikTok đang tăng trưởng mạnh và thay đổi cách người tiêu dùng giao tiếp, từ đó ảnh hưởng đến kỳ vọng trong cách thương hiệu cá nhân hoá thông điệp và tương tác với họ.
Trong khi đó, theo nghiên cứu gần đây từ Statista, Facebook vẫn là mạng xã hội dẫn đầu, còn Zalo nắm giữ hạng hai. Đáng lưu ý là TikTok đang bước vào cuộc chơi tại Việt Nam và đặc biệt nhắm đến thế hệ trẻ.
Vì thế, các DN Việt cũng nên để mắt đến một số thay đổi mang tính kiến tạo trong hành vi và xu hướng mua sắm trên mạng xã hội được dẫn dắt bởi người tiêu dùng thế hệ Z (thuộc độ tuổi 9 đến 25) và Millennial (còn gọi là thế hệ Y là những người sinh thuộc độ tuổi 18 – 34).
Thế Vinh