Qua quan sát của Ts. Erhan Atay, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT, thì thấy rằng hiện tại Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và Bình Dương đang thực hiện cải cách hành chính để khởi động và đẩy nhanh các dự án thành phố thông minh nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.
Nam châm thu hút đầu tư nước ngoài
Ts. Atay nhấn mạnh Việt Nam nên đẩy nhanh các khoản đầu tư vào thành phố thông minh bền vững để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 30 năm qua, trở thành nam châm thu hút đầu tư nước ngoài.
Các khoản đầu tư công nghệ vào thành phố thông minh sẽ trở thành nam châm thu hút đầu tư nước ngoài và giúp nâng tầm bất động sản thương mại. |
Ông cho biết: “Các nhà đầu tư quốc tế sẽ xem xét những yếu tố mới khi lựa chọn đầu tư, bao gồm mức độ số hóa của điểm đến, mức độ bền vững của nền kinh tế và tính chất xã hội của môi trường xung quanh. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến quyết định đầu tư so với các yếu tố truyền thống như lao động chi phí thấp, tài nguyên phong phú hay quy mô dân số lớn”.
“Trong kỷ nguyên mới này, các thành phố thông minh bền vững – nơi cho phép chuyển giao dữ liệu, công nghệ, ý tưởng và thực tiễn tốt nhất, đồng thời cung cấp môi trường bền vững và đáng sống – có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của các tổ chức kinh doanh quốc tế”, Ts. Atay nhận định.
Còn theo ông Bùi Thanh Tuyền, Giám đốc kỹ thuật kiêm Cố vấn cấp cao của công ty tư vấn kỹ thuật quốc tế Aurecon Việt Nam, các sáng kiến thành phố thông minh bền vững – với mục tiêu thiết lập sự cân bằng lành mạnh giữa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường – sẽ là tiêu chí quan trọng đối với các khoản đầu tư FDI mới”
Ông Tuyền cho biết: “Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số vững mạnh đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của các thành phố thông minh. Vì vậy, chúng ta phải tập trung vào các giải pháp như mạng không dây, hệ thống giao thông thông minh, quản lý bãi đậu xe tự động và các giải pháp tương tự”.
Ông Tuyền nhấn mạnh rằng trong quá trình thực hiện, “các thành phố Việt Nam nên tuân theo những tiêu chuẩn và khuôn khổ quốc tế về phát triển thành phố thông minh”.
Việt Nam được cho là đã có những bước tiến đáng kể khi triển khai đề án đô thị thông minh tại 41 trên 63 tỉnh thành trên cả nước. Tuy vậy, các thành phố ở Việt Nam đang đối mặt với thách thức là làm thế nào để ứng dụng các giải pháp công nghệ.
Xét về việc phát triển công nghệ trong các thành phố thông minh, theo hãng tư vấn Cushman & Wakefield (CWK), các thành phố lớn trên thế giới như New York, Amsterdam và Singapore đã bắt đầu áp dụng mạng 5G vào mọi mặt trong cuộc sống, liên tục tạo ra và phân tích lượng lớn dữ liệu.
Kết nối mạng 5G trở thành tiêu chuẩn mới
Điều này giúp thành phố thông minh hơn, điển hình là khả năng ghi nhận và điều tiết giao thông, người điều khiển được hướng dẫn đi vào đường thông thoáng hoặc đến các chỗ đậu xe có sẵn, và đồng thời giúp giảm thiểu khí thải. Và những lợi ích này sẽ được thúc đẩy phát triển khi 5G trở nên khả dụng hơn.
Riêng đối với bất động sản thương mại trong các thành phố thông minh, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc CWK Việt Nam, nhấn mạnh việc có thể theo dõi dữ liệu của tài sản theo thời gian thực sẽ giúp giảm chi phí vận hành và tăng năng suất. Đại dịch đã khiến chúng ta phải nhìn nhận lại tầm quan trọng của kết nối và trao đổi thông tin hiệu quả hơn, và tiềm năng ứng dụng của mạng 5G sẽ trở thành một phần không thể thiếu của quá trình phát triển đó.
Tại Việt Nam, theo Cục Viễn thông, trong năm 2021, các doanh nghiệp viễn thông đã đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng băng thông rộng. Đến nay, mạng cáp quang đã phủ sóng toàn quốc, mạng 4G đã đạt mốc 99,8% dân số; trong khi đó, mạng 5G đã được triển khai thử nghiệm tại 16 tỉnh, thành phố. Việt Nam đặt mục tiêu triển khai thương mại 5G vào năm 2022, thúc đẩy người dân dùng điện thoại thông minh (smartphone) và giảm số lượng điện thoại 2G còn dưới 5%.
Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (IoT) và bất động sản, mạng 5G liên quan đến hệ thống cảm biến tòa nhà và khả năng giám sát các điểm dữ liệu. Sự phát triển của bất động sản cũng có nghĩa là số lượng cảm biến và lượng dữ liệu đang tăng lên theo cấp số nhân, và 5G cho phép nắm bắt dữ liệu trong thời gian thực để có thể xây dựng báo cáo phân tích chính xác. Tiềm năng trong lĩnh vực này là rất lớn.
Theo chuyên gia C&W, trong tương lai, mạng 5G có thể loại bỏ gánh nặng cơ sở hạ tầng và cáp dư thừa cho các tòa nhà. Điều này sẽ cho phép doanh nghiệp không cần chạy hệ thống cáp tới bàn làm việc, điện thoại và phòng họp, tiết kiệm nhiều thời gian và tiền bạc, thoải mái thiết kế sơ đồ mặt bằng và không gian làm việc linh hoạt trong tương lai.
Có thể nói việc kết nối mạng 5G sẽ trở thành tiêu chuẩn mới cho bất động sản thương mại và thành phố thông minh. Như nhấn mạnh của bà Trang Bùi, công nghệ 5G có thể làm được nhiều điều cho thị trường bất động sản thương mại. Những ứng dụng 5G dùng để vận hành robot, phục vụ cho ô tô, thiết bị y tế và bán lẻ chắc chắn sẽ nâng tầm cách chúng ta làm việc, sống và vui chơi trong tương lai.
Thanh Loan