Mới đây, nhân góp ý vào Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp (sẽ thay thế Nghị định 01/2021/NĐ-CP) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo), ông Okutani Masahiro, Tổng giám đốc Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, đã nhắc lại việc công ty từng gặp vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục thay đổi nội dung trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) nhằm cập nhật thông tin của người đại diện theo pháp luật mới.
Cần ban hành luật rõ ràng và chính xác hơn
Cụ thể, công ty này đã trình nộp Quyết định của Hội đồng thành viên về việc bổ nhiệm người đại diện theo pháp luật mới nhưng các đối tác và cơ quan Nhà nước từ chối.
“Điều đó đã dẫn đến vấn đề các giao dịch, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, cũng như dẫn đến rủi ro pháp lý cho công ty và người đại diện theo pháp luật mới (đã làm việc nhưng chưa có giấy phép lao động và thẻ tạm trú)”, ông Masahiro nói.
Rất cần xóa bỏ các vướng mắc còn tồn tại trong khâu chính sách và khắc chế những rủi ro pháp lý để doanh nghiệp FDI yên tâm đầu tư dài hạn. |
Chính vì vậy, người đứng đầu của Yamaha Motor Việt Nam đề xuất làm rõ cụm từ “Ngày có thay đổi” ở Điều 30.2 luật Doanh nghiệp là “Ngày doanh nghiệp có quyết định thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp”.
Ngoài ra, hiện nay có nhiều tranh luận pháp lý về hiệu lực giấy ủy quyền của công ty đã được ký bởi người đại diện theo pháp luật cũ để ủy quyền cho các cá nhân phụ trách, trưởng phòng được ký các giấy tờ liên quan đến chuyên môn của phòng mình để gửi đối tác và cơ quan nhà nước
Về vấn đề này, ông Masahiro cho rằng do đặc thù công ty nên thường thay đổi người đại diện theo pháp luật theo định kỳ 4 - 5 năm/lần. Và điều đó dẫn đến việc mỗi khi công ty có thay đổi người đại diện theo pháp luật, lại nhận được yêu cầu của đối tác và cơ quan nhà nước về việc nộp lại giấy ủy quyền mới của công ty cho người đại diện theo pháp luật mới ký.
Từ đó gây nên số lượng công việc phát sinh lớn (với hàng chục giấy ủy quyền cần ký lại mà nội dung không thay đổi). Điều mà ông Masahiro băn khoăn là liệu các giấy tờ khác của công ty ký bởi người đại diện theo pháp luật cũ cũng có cần phải làm lại, ký lại hay không ?
Nhân lưu ý về mặt rủi ro pháp lý của vị tổng giám đốc một công ty có dòng vốn Nhật Bản nêu trên, cũng nên nhắc lại kết quả khảo sát mới nhất về triển vọng kinh doanh quý 3/2024 vừa qua từ mạng lưới gồm 1.400 thành viên của Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam. Đó là có tới 45% DN tham gia khảo sát cho biết rào cản chính trong kinh doanh của họ đến từ hệ thống luật lệ và chính sách hiện hành.
“Chúng tôi cần tầm nhìn rõ ràng và các chính sách ổn định để thực hiện các dự án đầu tư dài hạn. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu khả quan nào”, các DN thành viên EuroCham nhấn mạnh.
Và để khắc phục những rào cản hoạt động đã được xác định trước đó, 32% DN đến từ EU cho biết cần ban hành luật rõ ràng, chính xác hơn để giảm bớt những hiểu nhầm không đáng có.
Hoặc như vấn đề giấy phép lao động, 25% DN cho rằng không có cải thiện, còn 21% cho biết cải thiện ít, 25% cho rằng cải thiện vừa phải. Hay như với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), theo EuroCham, vẫn còn những điểm cần cải thiện trong các hiệp định được triển khai. Các thủ tục phức tạp và sự hạn chế trong việc công nhận các tiêu chuẩn quốc tế của chính quyền địa phương có thể mang lại rào cản cho các DN trong việc tận dụng tiềm năng của EVFTA.
Xóa bỏ những vướng mắc còn tồn tại
Có thể nói việc ban hành luật và chính sách có rõ ràng hay không, liệu có mang lại những rủi ro pháp lý hay không, vẫn là mối e ngại lớn của các doanh nghiệp FDI. Do đó, việc ban hành luật rõ ràng, chính xác hơn sẽ giúp các nhà đầu tư không còn phải gặp những hiểu nhầm không đáng có hoặc không phải thường xuyên đối mặt với những vướng mắc, rủi ro.
Đơn cử như chính sách về đất đai. Tại hội thảo “Luật Đất đai 2024: Giải pháp thực thi hiệu quả cho nhà đầu tư” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) tổ chức vào ngày 17/7, luật sư Nguyễn Văn Hải, luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN, nêu ra những vấn đề pháp lý phát sinh cho nhà đầu tư, các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, khi thực thi khuôn khổ pháp lý mới, bao gồm việc áp dụng Luật Đất đai và các luật liên quan vào các giao dịch thực tiễn.
Bên cạnh đó, ông Hải cũng khuyến nghị về quản trị rủi ro trong bối cảnh hành lang pháp lý mới, từ đó giúp các nhà đầu tư định hướng chiến lược kinh doanh một cách an toàn và hiệu quả hơn.
Còn theo luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), với nhiều cải tiến trong Luật Đất đai hiện tại, nhà đầu tư sẽ được tiếp cận với đất đai một cách thuận lợi hơn, thủ tục đơn giản, thông thoáng hơn, xóa bỏ nhiều vướng mắc pháp lý còn tồn tại.
Theo ông Bắc, Luật Đất đai 2024 cho thấy nhiều cải tiến khi đã có sự bổ sung các quy định về nguyên tắc sử dụng đất, cơ chế về giao đất, cho thuê đất, cân bằng quyền lợi và vị thế của nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi khi đưa ra những quy định hoàn thiện liên quan tới bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
“Như vậy, với những nỗ lực nêu trên, trong tương lai, nhà đầu tư sẽ được tiếp cận với đất đai một cách thuận lợi hơn, thủ tục hành chính cũng đơn giản, thông thoáng hơn, người dân cũng được hưởng lợi khi giá đất bình ổn hơn, xóa bỏ nhiều vướng mắc pháp lý còn tồn tại”, ông Bắc nói.
Tựu trung, để các doanh nghiệp FDI yên tâm đầu tư dài hạn, cũng như hướng tới xây dựng một môi trường đầu tư chung lành mạnh và hấp dẫn thì Việt Nam cần tiếp tục khắc chế các rủi ro về mặt pháp lý bằng việc ban hành luật, nghị định, thông tư sao cho thông thoáng, chính xác, hợp lý hơn nữa. Nhất là cần đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các chính sách và thực tiễn đầu tư. Chính phủ có thể hiện thực hóa điều này bằng cách thiết lập các quy tắc, quy định rõ ràng, nhất quán, và thực thi chúng một cách công bằng, đồng nhất.
Thế Vinh