Bộ Công Thương dự kiến kết thúc vụ vải thiều năm 2021 sẽ có khoảng 9 nghìn tấn được tiêu thụ qua kênh online. Đặc biệt, năm nay, người tiêu dùng châu Âu có thể đặt mua vải thiều Việt Nam trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam và nhận hàng sau 4-5 ngày.
Tính cách tiêu thụ hàng triệu tấn nông sản
Ở thị trường trong nước, ông Chu Quang Hào, đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chia sẻ, có nhiều tín hiệu rất tích cực khi sàn TMĐT của doanh nghiệp (DN này) triển khai bán vải thiều. Theo đó, từ con số vài nghìn người mua bán mỗi ngày, nay đã tăng lên 36.000 - 37.000 đơn/ngày.
"Vải thiều đưa vào Tây Ninh là hết ngay, thậm chí có thời điểm không đủ nguồn cung", ông Hào cho biết.
Sản phẩm nông sản của HTX, nông dân đồng loạt được đưa lên sàn thương mại điện tử. |
Từ thành công của quả vải thiều, bắt đầu từ ngày 21/6, HTX, hộ nông dân Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Đắk Lắk và Sơn La đồng loạt đưa nông sản, đặc sản địa phương lên bán tại “Phiên chợ nông sản trực tuyến” trên sàn TMĐT Sendo. Đây là lần đầu tiên, các hộ nông dân tập xây dựng “thương hiệu riêng” để tiêu thụ nông sản trên môi trường số.
Theo đó, bà con nông dân, HTX có cơ hội để chính mình quảng bá hình ảnh, giới thiệu đến khách hàng và hơn nữa đó là tự xây dựng thương hiệu nông sản của riêng mình, từ đó từng bước chủ động bán nông sản lâu dài qua kênh trực tuyến TMĐT.
Trước mắt, từ ngày 21/6 - 26/6/2021, lần lượt nông dân tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Đắk Lắk và Sơn La sẽ xuất hiện trên ứng dụng di động và trang Facebook của Sendo để livestream trực tuyến, chốt đơn hàng sản phẩm nông sản do tự tay mình trồng được cho khách hàng. Tất cả các sản phẩm khi đến tay người mua hàng sẽ đảm bảo tiêu chuẩn về đóng gói, có đóng dấu thương hiệu và hình ảnh của chính người nông dân. Đây là cách làm thương hiệu đa kênh độc đáo lần đầu tiên được áp dụng vào nông nghiệp số.
Những thông tin trên là tín hiệu vui khi thống kê cho thấy, bên cạnh vải thiều thì miền Bắc đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch của nhiều loại trái cây với sản lượng lớn như nhãn 300 nghìn tấn, xoài trên 100 nghìn tấn, cùng với đó là các loại trái cây khác như bưởi, cam, dứa, chuối. Ở miền Nam, thanh long, bưởi, chôm chôm, na, mít, chanh leo chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch.
Ước tính từ nay đến cuối năm, cả nước có hơn 4 triệu tấn nông sản các loại cần tìm đầu ra. Đây là cơ hội và thách thức để đưa nông sản Việt lên trên sàn online khi mà dịch COVID-19 đang gây ra nhiều khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản.
Theo phản ánh, khó khăn lớn nhất để đưa nông sản lên kênh online là khâu bảo quản, vận chuyển đến các đơn vị đặt hàng. Đặc thù vận chuyển nông sản rất khác so với sản phẩm hàng hóa thông thường, bởi yêu cầu về mặt thời gian, đóng gói, bảo quản rất cao. Do chưa đáp ứng được nên khi vận chuyển một số chuyến hàng còn dập nát khiến việc thanh toán sau đó bị chậm.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, đưa nông sản lên sàn online gặp khó khăn là có nhiều nguyên nhân, như: cơ quan quản lý nhà nước, người dân, DN, HTX chưa thực sự quan tâm đúng mức về TMĐT, chưa có sự phối hợp của các sàn, sự am hiểu về quy định bán hàng trên sàn TMĐT còn hạn chế. Bên cạnh đó, dịch vụ logistics, kho lạnh còn khiêm tốn dẫn đến rất ít hàng nông sản có thể bán được trên sàn.
Không chỉ quả vải thiều, ông Tuấn cho biết, tỉnh Bắc Giang tới đây còn nhiều mặt hàng nông sản cần tiêu thụ trên kênh online. Do vậy, muốn đẩy mạnh kênh bán hàng thì chắc chắn cần gỡ bỏ những khó khăn trên.
Cần sự phối hợp của các bên
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhìn nhận, tiêu thụ nông sản trên môi trường TMĐT cho hàng nông sản tươi sống là kênh phân phối mới giúp cho bà con nông dân, HTX có đầu ra ổn định. Tuy nhiên để đi thật xa hơn thì việc này phụ thuộc nhiều vào sự chủ động, quyết tâm của bà con nông dân, HTX.
Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ các bên: cơ quan quản lý nhà nước, sàn TMĐT, người tiêu dùng. "Hiện nay, có 6 sàn TMĐT lớn trong nước, 1 sàn TMĐT nước ngoài được đầu tư bài bản đang đồng loạt tham gia đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên kênh online", bà Huyền cho biết.
Trước câu hỏi làm sao để duy trì chất lượng và đảm bảo quá trình tiêu thụ trên kênh online diễn ra thông suốt, bà Huyền cho hay, Bộ Công Thương cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương trong việc quy hoạch sản xuất, dự báo sản lượng nông sản tốt hơn. Từ đó sẽ chuẩn bị sẵn phương án, kịch bản tiêu thụ nông sản cho cả kênh online và offline.
Về phần mình, Bộ Công Thương sẽ khuyến khích các sàn TMĐT tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản và đào tạo kỹ năng bán hàng online cho nông dân, HTX. Đây là hướng đi bền vững, giúp tiêu thụ nông sản ổn định ngay cả khi dịch COVID-19 làm tắc nghẽn thị trường.
Đặc biệt, về lộ trình đưa nông sản xuất khẩu ra thị trường nước ngoài qua kênh TMĐT, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số đang phối hợp với các cơ quan liên quan để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, EU.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại), việc đưa hàng, nhất là nông sản lên mạng để bán trong nước và xuất khẩu sẽ là xu hướng. Cục đang làm việc với sàn Alibaba.com để mở một gian hàng quốc gia trên trang này, nhằm đưa hàng Việt ra thế giới.
“Chúng tôi đang tập trung xây dựng hình ảnh sản phẩm trước, mà đầu tiên là với gạo, cà phê, và dệt may. Hiện đã có đối tác ngoại sau khi xem hình ảnh trên trang đã yêu cầu gửi mẫu sản phẩm thật để xem xét, đặt hàng”, bà Thúy thông tin.
Nhật Linh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |