Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, đã có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD). Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là 5655,5 MW.
Mới có 42/106 dự án điện gió được vận hành thương mại để được hưởng giá ưu đãi. |
Theo thông tin cập nhật, trong số 106 nhà máy điện gió nêu trên đăng ký thử nghiệm COD thì đến 29/10/2021 đã có 42 nhà máy điện gió với tổng công suất 2.131,3 MW đã được công nhận vận hành COD.
Trước tình hình trên, EVN cho biết sẽ duy trì làm việc vào hai ngày cuối tuần là 30 và 31/10 để phối hợp với các nhà máy điện gió đã đăng ký thử nghiệm và đề nghị công nhận vận hành COD.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), thời gian qua, đơn vị này đã nhận được nhiều đề xuất của UBND các địa phương, chủ đầu tư cho rằng ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến dự án chậm tiến độ, có khả năng không thể vận hành COD trước ngày 31/10/2021. Song, Bộ Công Thương khẳng định sau ngày giá FIT hết hạn (hết ngày 31/10), Bộ sẽ nghiên cứu phương án đấu thầu, xác định giá điện gió.
"Chúng tôi đang nghiên cứu báo cáo Chính phủ về cơ chế phát triển điện gió trong thời gian tới. Theo hướng trong tương lai lựa chọn nhà đầu tư qua đấu thầu, xác định giá thương thảo giữa chủ đầu tư và bên mua điện theo khung giá Bộ Công Thương xây dựng", ông Dũng nói.
Trao đổi với VnBusiness về vấn đề này, TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN xem xét gia hạn giá FIT cho các dự án 3 tháng hoặc 6 tháng nữa do lý do bất khả kháng bởi COVID-19 chứ không phải nhà đầu tư không cố gắng.
Thời gian vừa qua, nhiều dự án chậm tiến độ vì phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hơn nữa, theo ông Thiện, chi phí đầu tư điện gió rất lớn, bình quân xấp xỉ 2 triệu USD/MW, các thiết bị đều phải nhập khẩu của nước ngoài. Nếu bắt nhà đầu tư phải chuyển từ giá FIT sang đấu thầu thì rất thiệt thòi cho họ, đàm phán với EVN cũng khó khăn.
Ông Thiện nhấn mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng tới tài chính của doanh nghiệp, tới sự đóng góp của nhà đầu tư trong thực hiện chiến lược năng lượng sạch Việt Nam.
Thy Lê