Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình công nhận vận hành thương mại đối với các nhà máy điện gió đến ngày 15/10/2021, đã có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại. Tổng công suất đăng ký thử nghiệm vận hành thương mại của 106 nhà máy điện gió này là 5.655,5 MW.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa để gần 100 dự án điện gió được hưởng giá FIT. |
Theo thông tin cập nhật, từ ngày 1/10 đến ngày 15/10/2021 đã có thêm một số nhà máy điện gió với mức công suất cụ thể được công nhận vận hành thương mại.
Cụ thể, nhà máy điện gió Phương Mai 1 với công suất đã được công nhận vận hành thương mại là 24,00MW, nhà máy Hướng Tân: 46,20 MW, nhà máy Tân Linh: 46,20 MW, nhà máy Nhơn Hòa 1: 25,20 MW, nhà máy Nhơn Hòa 2: 29,00MW.
Như vậy, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5.655,5 MW đăng ký thử nghiệm vận hành thương mại thì đến 15/10/2021 đã có 11 nhà máy điện gió với tổng công suất 443 MW đã được công nhận vận hành thương mại.
Trong đổi với VnBusiness, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận cho biết, khả năng đến ngày 31/10, chỉ có 50% số dự án điện gió của địa phương này được công nhận vận hành thương mại.
Về phương án sau khi hết thời hạn giá FIT (cơ chế giá cố định - ưu đãi), Bộ Công Thương sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu giá, ông Thịnh cho biết nếu đầu thầu thì chắc chắn giá mua điện sẽ thấp hơn, còn mua bao nhiêu thì nhà đầu tư không biết, chẳng khác gì "mò kim đáy bể".
Theo Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận, đầu tư một dự án điện gió rất tốn kém, gấp nhiều lần điện mặt trời, nếu không có chính sách ưu đãi thì nhà đầu tư sẽ thiệt hại.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng để công bằng với các nhà đầu tư do yếu tố khó khăn bởi dịch COVID-19, Bộ Công Thương cần có rà soát rõ ràng, xem xét mức độ hoàn thiện của dự án để cho hưởng giá ưu đãi. Còn với những dự án chưa mua tuabin gió, mới chỉ san lấp mặt bằng thì sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu.
"Thực tế, có nên gia hạn giá FIT sau ngày 31/10 là câu hỏi rất khó, vì điều này cũng ảnh hưởng tới nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nếu không có chính sách hợp tình, hợp lý thì nhà đầu tư sẽ mất niềm tin. Bộ Công Thương cần phải làm việc, đi kiểm tra thực tế tình hình hoàn thiện của các dự án để có đánh giá khách quan", ông Sơn nói.
Trước đó, tại công văn số 1892/ĐL-NLTT ngày 7/10, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) lưu ý các nhà đầu tư dự án điện gió một số vấn đề liên quan đến công tác nghiệm thu công trình để được công nhận ngày vận hành thương mại trước thời hạn 1/11/2021.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ về Quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, để đưa vào khai thác sử dụng, công trình, hạng mục cần: Được nghiệm thu theo quy định; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đề nghị chủ đầu tư các dự án điện gió khẩn trương hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu theo quy định, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ra văn bản chấp thuận nghiệm thu trước ngày 1/11/2021.
Thy Lê