Tại Nghị trường Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Tp. HCM) đã thẳng thắn nêu quan điểm rằng thu hút FDI phải đạt được mục tiêu có đóng góp về giá trị gia tăng đối với các sản phẩm xuất khẩu (XK), tuyệt đối không thể để Việt Nam trở thành nơi "bán giấy phép", trở thành nơi để DN FDI "ở tạm" nhằm lợi dụng xuất xứ,
DN nhỏ lo mất "sân nhà"
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/5/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn Trung Quốc đạt hơn 2 tỷ USD ở cả ba hợp phần là đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư.
Thực tế, từ năm 2010 trở về trước, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam khá khiêm tốn. Trong tốp 10 quốc gia đầu tư vào Việt Nam, hầu như không có tên của Trung Quốc.
Kể từ năm 2011 trở lại đây, vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể. FDI của Trung Quốc tại Việt Nam liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn.
Điển hình là từ năm 2015 trở lại đây, cùng với việc Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc thường nằm trong tốp 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam để đón đầu cơ hội thâm nhập thị trường béo bở TPP và sau này là thị trường theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Dường như Trung Quốc đã đoán trước được cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nằm trong tốp đầu về vốn FDI đăng ký mới. Năm 2019, lần đầu tiên ghi nhận vốn FDI đăng ký cấp mới từ Trung Quốc vươn lên dẫn đầu.
Mặt khác, trước thực tế nhiều công ty Trung Quốc đã và đang đầu tư vào những lĩnh vực, dự án mà Việt Nam triển khai, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Tp.Hà Nội, chia sẻ đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức với DN Việt Nam.
Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra, nhiều nước đã chọn Việt Nam làm điểm dừng chân lý tưởng trong chuyển dịch dòng vốn đầu tư. Vẫn biết rằng với những ngành đang cần thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta buộc phải đẩy mạnh thu hút, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho đất nước.
Tuy nhiên, việc dòng vốn Trung Quốc, cũng như vốn FDI vào Việt Nam kỷ lục lại đang tạo thách thức rất lớn cho các DN vừa và nhỏ Việt Nam. Theo đó, DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh giành khách hàng với DN của những nước lớn có trình độ sản xuất chuyên nghiệp ngay tại thị trường trong nước. Chưa kể, các nhà đầu tư này có thể biến nền sản xuất của Việt Nam thành nơi trung chuyển để đưa hàng XK qua Mỹ, đe dọa tới uy tín và thương hiệu của DN Việt.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, nhiều nghiên cứu đã chứng minh FDI nói chung và FDI từ Trung Quốc nói riêng không mang lại lợi ích gì thực sự cho nền kinh tế và người dân Việt Nam. Nhưng dường như người ta chỉ quan tâm đến tăng trưởng GDP, nhưng khi tăng trưởng GDP dựa vào FDI thì tăng trưởng về luồng tiền ra thông qua chi trả sở hữu cao hơn tăng trưởng GDP nhiều.
"Tôi cho rằng càng mê cuồng tăng trưởng GDP, nguồn lực của nền kinh tế càng yếu đi. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có thể làm tăng GDP một chút nhưng nguồn lực thực sự thông qua tiết kiệm (saving) càng giảm", ông Trinh nhấn mạnh.
Đánh giá thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt trội, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, bày tỏ băn khoăn rằng ông vẫn nhìn thấy sự phát triển không bền vững. 93% tổng số DN của Việt Nam đang hoạt động là DN nhỏ và siêu nhỏ, có số lao động dưới 20 người.
Thu hút vốn FDI vào Việt Nam đạt kỷ lục trong 5 tháng đầu 2019 |
Thoát "bệnh thành tích"
Giai đoạn từ 2009- 2010, kim ngạch XK của DN Việt tương đương với khối DN FDI, đến thời điểm này sau 9 năm, FDI vươn lên chiếm hơn 70% trong tổng kim ngạch XK. Như vậy, tốc độ phát triển của DN FDI rất nhanh, trong khi họ chỉ chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số DN.
Ông Kiên nhấn mạnh, đây là bài toán đặt ra, nếu không có chính sách vĩ mô hợp lý, đến một ngày nào đó XK chỉ thuộc về khối ngoại. "Tất nhiên, DN FDI trên lý thuyết vẫn là DN Việt Nam – họ vẫn thương mại ngành sản xuất tại Việt Nam nhưng thực chất giá trị đóng góp cho nền kinh tế, cho người lao động Việt Nam được hưởng cái gì là bài toán đang đặt ra", ông Kiên nêu quan điểm.
Theo PGs.Ts. Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trong khi DN nhà nước không vươn lên được, DN tư nhân bị hạn chế về chính sách hay luật lệ, DN FDI đang "thong dong" đầu tư tại Việt Nam và phát triển nhanh chóng.
Tất nhiên, theo ông Nam, phát triển này có mặt mừng vì họ cũng kinh doanh tại Việt Nam nhưng về lâu dài, Việt Nam không thể "sống nhờ" vào FDI mãi, chúng ta phải có DN của Việt Nam.
Mặt khác, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp.HCM), cho rằng Việt Nam cần phải có những cách thức sàng lọc, tuyển chọn những nhà đầu tư có công nghệ cao, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước, trong đó ưu tiên các DN có khả năng kết nối được với DN trong nước để làm công nghiệp phụ trợ, hợp tác làm ăn với DN nội địa. Tuyệt đối, không để Việt Nam trở thành nơi "bán giấy phép", trở thành nơi để DN FDI "ở tạm" nhằm lợi dụng xuất xứ.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng điều đầu tiên cần thoát khỏi trong chiến lược thu hút vốn ngoại là "bệnh thành tích". Chúng ta cần lấy lợi ích thực sự đối với nền kinh tế trong nước làm trọng, từ đó thay đổi cách thu hút đầu tư nước ngoài.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Văn Chương - Đại biểu Quốc hội Đoàn Tp.HCM
Việt Nam đón đầu tư nước ngoài phải chọn lọc chứ không phải nhắm mắt tiếp nhận. Chúng ta cần đề phòng họ đưa những công nghệ cũ, lạc hậu. Để làm được điều này, chính sách thu hút đầu tư cần xem lại để không ưu đãi quá nhiều cho DN FDI, khiến các công ty trong nước khó cạnh tranh, không thể vươn lên. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân không thể tách rời khỏi các chính sách tái cấu trúc khu vực DN nhà nước và thu hút chọn lọc các DN FDI. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài cần xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp để định hướng làn sóng đầu tư FDI mới phù hợp với yêu cầu của đất nước và không chèn lấn sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước. Vận động khuyến khích các DN FDI hỗ trợ nâng cao năng lực các DN nhỏ và vừa và liên kết với khu vực tư nhân trong nước. Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Tp.Hà Nội Trong bối cảnh bất ổn thương mại hiện nay, DN vừa và nhỏ phải tìm kiếm, hợp tác với các đối tác uy tín, làm ăn lâu dài và phát triển bền vững. DN có thể tận dụng chính sách, sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước, hợp tác với những DN FDI đã đầu tư vào Việt Nam từ 30 năm nay. Mặt khác, DN cũng phải mạnh dạn tìm kiếm thêm thị trường mới, tiềm năng để đẩy mạnh XK. |