Đây là kết quả đánh giá của Bộ KH&ĐT tại Báo cáo số 3163/BC-BKHĐT gửi các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII và các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5 của Quốc hội khóa XIV.
Theo báo cáo, về mục tiêu, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, các Nghị quyết và các văn bản có liên quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã xác định 64 chỉ tiêu định tính và định lượng. Đánh giá chung, đến nay có 28,13% mục tiêu dự kiến hoàn thành, 40,63% mục tiêu có khả năng hoàn thành và 31,25% mục tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành.
Mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài có xu hướng tăng (Ảnh: Internet) |
Tại báo cáo, Bộ KH&ĐT đánh giá mô hình tăng trưởng có sự chuyển biến theo hướng tích cực; năng suất lao động tăng đều qua các năm; vai trò của khu vực tư nhân gia tăng...
Cùng với đó, tiềm lực tăng trưởng kinh tế được củng cố và khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài được cải thiện, lạm phát được kiểm soát, tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ hằng năm giảm, khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, lòng tin thị trường được tăng cường.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng cho biết, kết quả thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bền vững. Điều đó thể hiện ở mô hình tăng trưởng chưa thay đổi bền vững, cấu trúc của nền kinh tế vẫn không thay đổi đáng kể, vẫn dựa vào hai lực lượng chính là kinh tế hộ gia đình (chiếm hơn 33% GDP) và doanh nghiệp nhà nước (32% GDP).
Các ngành sản xuất của Việt Nam vẫn nằm ở dưới chuỗi giá trị và chưa có dấu hiệu được cải tiến. Đầu tư chủ yếu được tài trợ không bền vững qua tín dụng ngân hàng, dẫn tới tỷ lệ tín dụng GDP tăng quá nhanh và rủi ro. Nền kinh tế có nguy cơ rơi vào tụt hậu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng thời, mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài có xu hướng tăng. Nền kinh tế có độ mở cửa cao và không bền vững trong dài hạn, đo bằng tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP, vốn đầu tư khu vực FDI năm 2018 chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư xã hội và khoảng 71-72% kim ngạch xuất khẩu.
Để giải quyết những hạn chế này, Bộ KH&ĐT đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong 10 năm tới.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới giải pháp cần nghiên cứu sớm ban hành chính sách cắt giảm hợp lý và mạnh mẽ các loại thuế, phí đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuế thu nhập cá nhân đối với lao động chất lượng cao.
Theo Bộ KH&ĐT, Chính phủ cần tiếp tục có những biện pháp củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và thuận lợi cho cơ cấu lại nền kinh tế, bao gồm: tập trung quản lý nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững, điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp tốt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác, nhất là chính sách điều chỉnh các loại giá, phí do Nhà nước quản lý.
Nhật Linh