66 triệu USD là tổng vốn đầu tư cho dự án “Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk” với diện tích 200 ha được khởi công hôm 27/9 ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Chủ đầu tư của dự án là CTCP Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk (liên doanh giữa Tập đoàn Hùng Nhơn của Việt Nam với Tập đoàn De Heus của Hà Lan).
"Đánh thức" tiềm năng Tây Nguyên
Khi đi vào hoạt động, dự kiến mỗi năm dự án sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 24.000 con lợn bố mẹ và lợn hậu bị chất lượng cao cho ngành chăn nuôi ở Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung.
Liên doanh này còn dự định phát triển mạng lưới chuỗi dự án chăn nuôi giống lợn cụ, kỵ quy mô lớn và vùng an toàn dịch bệnh tại khắp 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên với các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Vùng Tây Nguyên cần thu hút nhiều DN lớn đầu tư vào chế biến sâu để nâng giá trị nông sản. |
Đáng chú ý, 2 nhà đầu tư Hùng Nhơn và De Hues đang nằm trong chuỗi giá trị xuất khẩu (XK) gà thịt của Việt Nam cùng với CTCP Bel Gà và Công ty Koyu & Unitek. Các doanh nghiệp (DN) này có sự liên kết chặt chẽ từ khâu cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi đến các trang trại nuôi gà, tiếp đến là khâu thu mua, giết mổ và chế biến sâu để XK.
Có thể thấy, đây là tín hiệu vui cho ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên khi đang rất cần những nhà đầu tư lớn để có thể tạo ra liên kết chuỗi khép kín và áp dụng công nghệ cao nhằm nâng giá trị vật nuôi và cây trồng.
Chẳng hạn như trang trại bò sữa rộng hơn 1.000 ha trên vùng cao nguyên ở xã Đăk Yă, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai do CTCP thực phẩm dinh dưỡng NutiFood làm chủ đầu tư sau 2 năm tiếp quản từ Hoàng Anh Gia Lai.
Hơn 7.000 con bò sữa ở trang trại được áp dụng kỹ thuật nông nghiệp cao và theo tiêu chuẩn quốc tế cho hoạt động chăn nuôi. Chính vì vậy, mới đây, lần đầu tiên ở Việt Nam, từ trang trại này đã cho ra dòng sữa tươi có hàm lượng dinh dưỡng tương đương sữa châu Âu, đạt 3.5g đạm và 4.0g béo trên 100 ml sữa tươi.
Đó là một trong những yếu tố rất quan trọng để sản phẩm sữa Việt có nguồn gốc từ vùng Tây Nguyên bước chân vào thị trường khắt khe như châu Âu nhằm tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Theo TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), nếu có công nghệ, cộng với vốn đất đai rộng lớn, Tây Nguyên có thể trở thành một vùng chăn nuôi tập trung.
Ông Thắng cũng lưu ý từ trước đến nay, Tây Nguyên chưa phải là vùng chăn nuôi tập trung, nguyên nhân không phải do thiếu tiềm năng, lợi thế mà là do chưa có DN đầu tư.
Cần "làm lớn" khâu chế biến
Ngoài việc cần những nhà đầu tư lớn nhảy vào lĩnh vực chăn nuôi, theo Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, với những vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn như Tây Nguyên thì chế biến là rất quan trọng.
Việc đầu tư vào chế biến sâu cho nông sản vùng Tây Nguyên cũng là điều mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị đối thoại với nông dân tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk ngày 28/9.
Theo các chuyên gia, công nghiệp chế biến và phát triển nông nghiệp hữu cơ là nội dung trọng tâm được người nông dân vùng Tây Nguyên quan tâm tại hội nghị đối thoại lần này.
Thực tế hiện nay cho thấy, các sản phẩm nông sản chủ lực của Tây Nguyên vẫn chủ yếu XK dưới dạng thô, hàm lượng chế biến còn thấp. Trong khi đó, việc thu hút được DN lớn đầu tư vào chế biến sâu nông sản ở vùng này vẫn còn khá khiêm tốn.
Như ở tỉnh Đắk Lắk, dù toàn tỉnh có khoảng 300 DN, cơ sở chế biến nông sản nhưng đa phần các DN, cơ sở này đều có quy mô vừa và nhỏ, công suất thấp, dây chuyền thiết bị thiếu đồng bộ, nên chất lượng sản phẩm chưa cao, lượng sản phẩm tinh chế còn thấp.
Điển hình như lĩnh vực chế biến cà phê, Đắk Lắk hiện có 23 DN chế biến cà phê nhân theo công nghệ khô với tổng công suất 475.030 tấn/năm; 47 DN chế biến cà phê bột, công suất trên 32.000 tấn/năm và 1 DN chế biến cà phê hòa tan, công suất 1.000 tấn/năm.
Trong đó, chỉ một số ít DN đủ năng lực chế biến cà phê chất lượng cao, còn lại phần lớn là các cơ sở quy mô nhỏ, dây chuyền thiết bị chưa đồng bộ, chế biến sâu mới chiếm khoảng 2,3% tổng sản lượng cà phê XK.
Hoặc như ở tỉnh Lâm Đồng - tỉnh Tây Nguyên có diện tích cà phê đứng thứ hai cả nước với hơn 174.000 ha, có sản lượng cà phê hiện tại vào khoảng 515.000 tấn/năm. Thế nhưng, sản lượng chế biến tinh còn khá thấp, vào khoảng 6.000 tấn/năm. Như vậy, gần 510.000 tấn cà phê nhân của Lâm Đồng gần như phải xuất thô với giá thành không cao.
Từ thực tế đó, các địa phương vùng Tây Nguyên cần tiếp tục thu hút các DN lớn đầu tư nhằm "làm lớn" khâu chế biến sâu cho cây trồng, vật nuôi. Đây cũng là điều kiện giúp cho đầu ra nông sản của nông dân trong vùng được ổn định hơn và có nguồn thu cao hơn so với hiện tại.
Thế Vinh