Cụ thể, theo ngân hàng HSBC, mặc dù khởi đầu có phần hơi thất vọng vào quý I nhưng sang quý II tăng trưởng GDP của Việt Nam đã vọt lên 6,9% so với cùng kỳ năm trước, gần như đạt mức cao nhất trong năm trở lại đây, vượt xa mức kỳ vọng của HSBC cũng như thị trường là 6%. Không chỉ tăng trưởng đầy thuyết phục, điều đáng khích lệ là tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu lan rộng.
Các tổ chức quốc tế lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam. |
Lĩnh vực gây ngạc nhiên nhất là sản xuất với tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cũng được phản ánh qua sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ trong quý II, đạt mức tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên HSBC cũng lưu ý về sự phục hồi không đồng đều. Theo đó phục hồi chủ yếu được dẫn dắt bởi mảng điện tử. Mặc dù xu hướng này vẫn còn tiếp tục, các ngành hàng khác cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, xuất khẩu dệt may và da giày, vốn bị ảnh hưởng bởi gián đoạn ở Biển Đỏ, cũng phục hồi trở lại và chứng kiến tăng trưởng ở mức hai con số trong quý II.
Song song với tình hình thương mại tươi sáng, tâm lý các nhà sản xuất cũng tốt lên thấy rõ. PMI tháng 6 tăng mạnh lên 54,7, không chỉ vượt hẳn ngưỡng mở rộng 50 mà còn đạt mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Tình hình việc làm và đơn hàng xuất khẩu mới đã tăng cao so với những tháng gần đây là "bảo chứng" cho triển vọng tốt hơn của lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, FDI vẫn luôn là điểm sáng. Mặc dù đã giảm so với đỉnh của năm 2017, FDI mới vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn với vốn FDI đăng ký mới với gần 10 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024 (4% GDP). Mặc dù phần lớn vốn hướng về sản xuất, lĩnh vực bất động sản cũng đang nổi lên với tăng trưởng mạnh mẽ so với tình hình suy giảm năm ngoái.
"Một diễn biến quan trọng đáng quan tâm chính là dự thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Chính phủ ngày 5/7, trong đó đề xuất thành lập một quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu 15% trong năm nay", báo cáo chỉ ra.
Bên cạnh thương mại, các dịch vụ liên quan đến du lịch duy trì đà tích cực. Điều này lý giải vì sao các ngành như vận tải và lưu trú tiếp tục tỏa sáng. Chỉ trong nửa năm, Việt Nam đã thu hút hơn 8,8 triệu lượt khách, vượt mức của năm 2019. Đặc biệt, ngay cả chưa có cơ chế miễn thị thực, lượng du khách Trung Quốc trở lại đã đạt 80% so với thời điểm đó. Mặc dù Việt Nam đang trên đà đạt được mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách trong năm 2024, các chuyên gia cho rằng vẫn còn dư địa để cải thiện hơn nữa, bao gồm mở rộng danh sách miễn thị thực.
Nằm ngoài các điểm sáng trên, tăng trưởng doanh thu bán lẻ chưa lấy lại phong độ trước đại dịch. Theo ước tính, chỉ số này vẫn còn thiếu hụt một mức đáng kể, tương đương 10% so với xu hướng trước đại dịch. Theo dự đoán, trong bối cảnh sự phục hồi bên ngoài tiếp tục lan rộng, hiệu ứng lan tỏa rồi cũng sẽ tác động đến lĩnh vực trong nước, những ảnh hưởng có khả năng trở nên rõ rệt hơn trong quý IV.
Về lạm phát, mặc dù giá dầu trong tháng đã giảm nhưng không bù đắp được cho giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi. Trong quá khứ, biến động giá thịt lợn từng đẩy lạm phát tăng mạnh, vượt qua cả mức lạm phát mục tiêu. Mặc dù vậy, ngoại trừ diễn biến xấu của dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn, lạm phát khả năng đã đạt đỉnh. HSBC dự báo lạm phát bình quân 6 tháng cuối năm sẽ dịu xuống ở mức hơn 3%, nhiều khả năng đưa lạm phát bình quân của cả năm xuống 3,6%.
Trước HSBC, ngày 22/7, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng đã nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 lên mức 6,5% từ mức 6%, cho rằng động lực tăng trưởng vững vàng. Mặc dù những rủi ro về lạm phát và tỷ giá đã quay trở lại, những áp lực này sẽ hạ nhiệt vào cuối năm và không vượt ra ngoài mức mục tiêu của Chính phủ.
Trong khi đó, tại báo cáo công bố ngày 17/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay là 6%, tương đương với mức dự báo mà ngân hàng này đưa ra hồi tháng 4 vừa qua.
Đỗ Kiều