Những ngày này, anh Nguyễn Tiến, CEO CTCP Truyền thông và du lịch Bluesky Việt Nam tất bật với những chuyến đi từ Nam ra Bắc. Là một startup về du lịch, anh Tiến tranh thủ mùa cao điểm du lịch năm nay để gỡ lại những giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh và xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân.
Vị CEO cho biết, so với cùng kỳ, lượng khách tăng 35 - 40%, các dịp cuối tuần công suất hoạt động của các khách sạn, du thuyền, phương tiện di chuyển mà doanh nghiệp hợp tác gần như đạt 100%.
“Hiện nay du lịch đã rất đa dạng về các loại hình dịch vụ, phải kể đến những xu hướng 'trend' như camping, homestay nghỉ dưỡng gần, khu nghỉ dưỡng gần trung tâm… Cùng với đó, thị trường du lịch quốc tế cũng có nhiều điểm mới với giá thành cạnh tranh so với nội địa. Vì vậy khách có nhiều lựa chọn hơn rất nhiều so với những năm trước dịch”, anh Tiến trao đổi với Vnbusiness.
Thực tế, theo số liệu từ Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch quốc gia, 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đón 52,5 triệu lượt khách du lịch nội địa và gần 7,6 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, tổng lượt khách quốc tế tăng gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời tăng gần 4% so với thời điểm trước dịch.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt mức trước dịch. |
Sự phục hồi của khách du lịch quốc tế được thúc đẩy bởi du khách đến từ Hàn Quốc và Mỹ, tiếp đó là Trung Quốc sau khi nước này gỡ chính sách "Zero COVID" vào năm 2023.
Theo VinaCapital, trong 5 tháng đầu năm, lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng hơn 300% so với cùng kỳ, đạt mức 75% trước dịch COVID-19. Trung Quốc cũng đã lấy lại vị trí dẫn đầu lượng khách đến Việt Nam vào tháng 5 vừa qua.
Học viện Du lịch Trung Quốc dự kiến người dân nước này đi du lịch nước ngoài sẽ vượt mức 80% so với trước COVID-19 trong năm nay. Vì vậy, VinaCapital kỳ vọng lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam sẽ phục hồi từ mức 30% trước COVID-19 trong năm ngoái lên đến 85% trong năm nay.
“Sự phục hồi một phần này là cơ sở cho dự báo rằng tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam sẽ tăng từ mức 70% trước COVID-19 vào năm ngoái lên khoảng 105% trước COVID-19 vào năm nay (tương đương 19 triệu lượt khách)”, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital nhận định.
Bên cạnh sự trở lại của lượng khách du lịch từ Trung Quốc, không thể không nhắc đến nhu cầu du lịch tăng cao của người Mỹ. Theo thống kê, lượng du khách Mỹ đến Việt Nam đã cao hơn nhiều so với mức trước COVID-19 và chi tiêu của nhóm du khách này đã đóng góp vào tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn cao cấp. VinaCapital ghi nhận, các tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp như Metropole Hà Nội, Fusion Resorts đều đạt tỷ lệ lấp đầy bằng hoặc cao hơn mức trước dịch.
Không chỉ nhóm khách sạn và lữ hành, kết quả kinh doanh của các công ty liên quan quản lý, điều hành sân bay và các hãng hàng không cũng tăng vọt. Đơn cử, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vietnam Airlines quý I/2024 tăng trưởng 32,8% so với cùng kỳ, trong khi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ghi nhận doanh thu tăng 19% so với cùng kỳ.
Sự phục hồi của lượng khách du lịch nói riêng và ngành du lịch nói chung được kỳ vọng sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, qua đó đóng góp thêm điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP Việt Nam.
Trước đại dịch, du lịch trong nước và quốc tế chiếm khoảng 12% GDP Việt Nam. “Chúng tôi ước tính tổng đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế Việt Nam - bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp, sẽ chiếm hơn 15% GDP năm 2024”, ông Michael Kokalari dự báo.
Đỗ Kiều