Tại Hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam ngày 4/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các doanh nghiệp có vốn ĐTNN (DN FDI) là những thành viên tích cực trong "đại gia đình" các DN Việt Nam. Việt Nam tự tin và tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương hợp tác ĐTNN.
Vẫn giống "ốc đảo"
Có thể thấy trên chặng đường 30 năm qua, ĐTNN đã đồng hành cùng tiến trình Đổi Mới và mở cửa nền kinh tế, đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Nền kinh tế Việt Nam có được những thành tựu phát triển vượt bậc như ngày hôm nay có thể khẳng định có sự đóng góp không nhỏ của khu vực ĐTNN.
Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 26.500 dự án ĐTNN đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, cam kết đầu tư trên 334 tỷ USD vào Việt Nam.
Đến năm 2017, khu vực ĐTNN chiếm gần 20% GDP; đóng góp 23,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp; 70% kim ngạch xuất khẩu (XK); sử dụng 4 triệu việc làm trực tiếp và 5-6 triệu việc làm gián tiếp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thu hút và sử dụng ĐTNN thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng trước hết phải kể đến việc liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất của khu vực ĐTNN đến khu vực trong nước còn thấp.
Nhiều dự án ĐTNN tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp; tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp ở mức dưới trung bình. Các DN có vốn ĐTNN và DN trong nước còn thiếu sự liên kết chặt chẽ để cùng phát triển.
Một số DN có vốn ĐTNN có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế. Thực tế cũng cho thấy, còn trường hợp bên nước ngoài trong các liên doanh đã tạo áp lực buộc bên Việt Nam phải nhượng lại phần vốn góp, chuyển DN liên doanh thành DN 100% vốn nước ngoài, làm hạn chế khả năng liên kết và chuyển giao công nghệ.
Vui mừng về những thành tựu to lớn của ĐTNN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại, cả những thua thiệt trong thu hút ĐTNN. Các DN ĐTNN về cơ bản đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực. Chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết hiện nay, FDI vào lĩnh vực công nghiệp vẫn chủ yếu tập trung vào các nhóm ngành định hướng XK, thông dụng lao động như dệt may, da giày, ô tô, xe máy và chủ yếu sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu trực tiếp làm đầu vào cho sản xuất.
Ở góc độ sở hữu DN, phần lớn DN FDI tại Việt Nam là DN 100% vốn ĐTNN, vì vậy đã tạo ra khoảng cách nhất định về tập quán, cách thức sản xuất kinh doanh, trình độ năng lực quản lý với DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam, nên mối liên kết và hiệu quả hợp tác chưa cao.
Thủ tướng trò chuyện với các nhà đầu tư nước ngoài |
Chuyển hướng và chọn lọc
Vấn đề đặt ra lớn nhất là Việt Nam chưa khai thác tốt, hay chưa sẵn sàng để khai thác những lợi ích từ ĐTNN mang lại như học hỏi kinh nghiệm, gắn kết vào nền kinh tế toàn cầu để bước lên những nấc thang giá trị cao hơn. Nền kinh tế đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực FDI.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, 3 thập kỷ trôi qua mà Việt Nam vẫn "chưa tốt nghiệp" FDI. Nhiều dự án FDI được kỳ vọng rất lớn nhưng về cơ bản vẫn như những "ốc đảo" khai thác các lợi thế của nền kinh tế Việt Nam mang lại lợi ích cho họ mà chưa tạo ra các giá trị lan tỏa, hình thành các cụm ngành với tỷ lệ nội địa cao, có sức cạnh tranh toàn cầu.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro tại Hà Nội, bày tỏ một trong những vấn đề lớn mà DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam gặp phải là tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu và linh phụ kiện của Việt Nam còn thấp.
Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu – linh phụ kiện trong ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam là 33%, thấp hơn so với 67% của Trung Quốc, 57% của Thái Lan.
Chính vì vậy, các DN sản xuất bị phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Thái Lan hay một số quốc gia lân cận. Đây được coi là vấn đề tồn tại trong lĩnh vực sản xuất chế tạo nhưng cũng là tiềm năng chưa khai thác hết của CNHT Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, công nghệ vào Việt Nam là rất quý, nhưng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc có tranh thủ được nguồn lực này cho phát triển, nâng cao quốc lực của đất nước là trách nhiệm của Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung làm cho được điều mà các nhà đầu tư luôn cần là giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; khuyến khích, hỗ trợ DN trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của DN ĐTNN trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, CNHT.
Đặc biệt, từ tư duy thụ động, bị nhà ĐTNN vào "mua", nay DN trong nước có thể chủ động "mua" lại các DN ĐTNN tại Việt Nam để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.
"Hợp tác FDI là sự chủ động, bình đẳng, có tính lựa chọn của Việt Nam. Không phải nhà ĐTNN mang gì là ta nhận nấy. Cần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia", Thủ tướng lưu ý.
Theo Bộ KH&ĐT, bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang đặt ra những cơ hội và thách thức mới đối với Việt Nam trong thu hút và sử dụng ĐTNN giai đoạn tới. Để tận dụng được cơ hội, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng và thực hiện một chiến lược phát triển dài hạn, đầu tư thích đáng cho hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để khuyến khích dòng ĐTNN vào các ngành nghề mới.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT mong muốn các nhà đầu tư đến với Việt Nam trong tâm thế của những nhà đầu tư có thiện chí, có trách nhiệm, với những cam kết và hành động cụ thể, thực chất để đầu tư kinh doanh lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, của Nhà nước và của cộng đồng.
Lê Thúy
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT - Nguyễn Chí Dũng Chiến lược thu hút FDI thời gian tới phải đẩy mạnh liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia với khu vực DN trong nước, hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị. Đồng thời, tiếp tục thu hút ĐTNN vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày…, nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam - Ryu Hang Ha Môi trường đầu tư chỉ với những ưu đãi về thuế là chưa đủ đáp ứng. Chúng tôi hy vọng rằng các chính sách mang tính thân thiện, toàn diện của Chính phủ sẽ được ban hành kèm theo một cách tích cực để những ưu đãi về thuế có thể trở thành một phần trong đó. Đặc biệt, Việt Nam cần thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ để các thủ tục hành chính được xử lý rõ ràng, minh bạch và nhanh chóng. Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Chính phủ Việt Nam nhất quán và cam kết tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và cam kết xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, mang tính cạnh tranh. Chính phủ luôn lắng nghe và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư để hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững. Sự thành công của các nhà đầu tư tại Việt Nam cũng chính là thành công, niềm tự hào của Việt Nam. |