Tại Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam diễn ra ngày 4/10, Thủ tướng nhìn nhận, sau hơn 3 thập kỷ thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ nước nghèo kém phát triển, Việt Nam nỗ lực lên thành quốc gia có thu nhập trung bình, chính trị - xã hội ổn định, vị thế trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Thủ tướng tham dự Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nguồn VGP) |
Điều này cho thấy việc mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế quan trọng của đất nước.
Những năm đầu tiên, kinh nghiệm quản lý kinh tế của Việt Nam còn yếu, sự vận hành của ĐTNN theo nguyên tắc thị trường là nơi để Việt Nam học tập. Đến nay, ĐTNN trở thành bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Hiện có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Năm 2017, khu vực ĐTNN chiếm 20% tổng GDP, chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư xã hội, 70% kim ngạch xuất nhập khẩu, giải quyết 4 triệu việc làm trực tiếp.
Nhiều đánh giá cho thấy Việt Nam đã trở thành địa điểm đầu tư tin cậy hiệu quả, Việt Nam là nước thành công nhất về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian qua. Trong đó, theo Báo cáo của Liên Hợp Quốc, Việt Nam nằm trong tốp 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.
Đó là niềm vui và tự hào, nhưng Thủ tướng cũng muốn nhìn thẳng những hạn chế, tồn tại và cả thua thiệt trong thu hút ĐTNN.
Trước hết, doanh nghiệp (DN) FDI đang sử dụng công nghệ trung bình, chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn.
Liên kết giữa DN trong nước và DN FDI, quá trình chuyển giao công nghệ chưa đạt kỳ vọng. Chủ yếu gia công, lắp ráp, nội địa hóa trong một số ngành rất thấp, giá trị gia tăng không cao. Một số dự án gây ô nhiễm môi trường, chuyển giá trốn thuế, chất lượng trình độ lao động thấp. Cùng với đó, công tác quản lý ĐTNN còn thiếu chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương.
"FDI mang vốn và công nghệ tới Việt Nam rất quý nhưng có tận dụng được nguồn lực này, nâng cao quốc lực của đất nước là trách nhiệm của chúng ta", Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng những bất cập trên đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ để khắc phục.
Quan điểm Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài sẽ mở theo hướng, Việt Nam khẳng định, ĐTNN luôn là bộ phận quan trọng nền kinh tế; thúc đẩy liên kết DN FDI và trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ với quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị toàn cầu; khuyến khích DN FDI bảo vệ môi trường, có giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa cao, tiếp cận với công nghệ 4.0 để tạo giá trị gia tăng...
Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới biến động, đan xen cơ hội và thách thức, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan toả tới từng DN, người dân, Chính phủ yêu cầu bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện khuổn khổ pháp luật, thực hiện chủ trương ưu tiên chọn lọc ĐTNN, xây dựng nền kinh tế tự chủ; khuyến khích hỗ trợ DN trong nước liên kết, góp vốn, mua cổ phần của DN FDI.
"Từ tư duy thụ động là bị nhà đầu tư nước ngoài mua, DN trong nước có thể chủ động mua lại nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", Thủ tướng cho biết.
Nhật Linh