Cuộc họp sẽ do lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì với thành phần tham dự gồm: Đoàn thanh tra; Tổ giám sát; Ban lãnh đạo EVN và các đơn vị thành viên là Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia; Tổng công ty truyền tải điện quốc gia; Các tổng công ty điện lực (TP.Hà Nội, TP.HCM, Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam); các Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3.
Câu hỏi tại sao EVN lỗ triền miên, mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng, liệu đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?... đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời. |
Cùng với đó, cuộc họp trên còn có sự tham dự của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Điện lực TKV, Tổng công ty Đông Bắc.
Việc lập Đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1/1/2021 đến 1/6/2023 là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 517 ngày 6/6/2023 để tìm đúng nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đoàn thanh tra bắt đầu làm việc kể từ ngày 10/6/2023, kéo dài trong 30 ngày, kể cả ngày nghỉ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu đoàn thanh tra EVN cần làm rõ việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện (về mặt kỹ thuật), tính công bằng; vấn đề truyền tải điện; thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp...
Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh mối quan tâm của cử tri trước câu hỏi tại sao EVN lỗ triền miên, mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng, liệu đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không? Theo đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.
“Vì sao tập đoàn mẹ là EVN thì báo lỗ, nhưng các đơn vị thành viên lại có lãi? Cơ chế độc quyền có dẫn đến nguy cơ lộng hành giá cả, thao túng thị trường điện không?… Đề nghị Chính phủ thành lập đoàn thanh tra đặc biệt để xem xét vấn đề này", đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nêu quan điểm.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 của EVN vừa công bố với khoản lỗ sau thuế 20.747 tỷ đồng, trong khi năm 2021 doanh nghiệp lãi 14.725 tỷ đồng. Giá vốn tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến tập đoàn này lỗ.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản hợp nhất của tập đoàn là hơn 660.000 tỷ đồng (giảm 5,6% so với đầu năm), trong đó lượng tiền mặt và tiền gửi của doanh nghiệp này đạt mức 101.527 tỷ đồng. Năm 2022, EVN thu về hơn 3.700 tỷ đồng lãi tiền gửi, giảm nhẹ so với mức 4.300 tỷ đồng của năm 2021.
So sánh với các doanh nghiệp (ngoài ngân hàng) trên sàn và các tổng công ty Nhà nước khác, EVN đang là tập đoàn có lượng tiền mặt lớn nhất.
Theo giải thích của EVN, việc duy trì số dư tiền gửi ngân hàng của các đơn vị thành viên do nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao, đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn, nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay thời gian tới.
Thy Lê