Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 6/6/2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ ngày 01/01/2021 - 01/06/2023 |
Công điện của Thủ tướng nêu rõ, tình hình nắng nóng gay gắt và tác động của hiện tượng El Nino diễn ra tại nhiều nơi trong cả nước thời gian quan đã làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, kết hợp với tình trạng thiếu mưa ở các tỉnh phía Bắc nên nước về các hồ thủy điện rất thấp đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cung ứng điện trong mùa khô năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bằng nhiều hình thức từ sớm, từ xa về việc bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023, trong đó yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện cũng như lưu ý các giải pháp cụ thể khắc phục các khó khăn về cung ứng điện thời gian qua, trong đó có Thông báo số 185/TB-VPCP ngày 19/5/2023.
Mặc dù, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) và các bộ, cơ quan có liên quan đã nỗ lực thực hiện một số giải pháp cấp bách nhưng đến nay đã xuất hiện những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm cung ứng đủ điện trong thời gian tới, đặc biệt là ở miền Bắc.
Trước tình hình khó khăn về cung ứng điện hiện nay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, đánh giá kỹ về tình hình cung ứng điện hiện nay, nhất là các yếu tố phát sinh ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung ứng điện để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khẩn trương hướng dẫn EVN xây dựng các kịch bản chủ động kịp thời ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện và tổ chức thực hiện theo quy định. Hoàn thành việc này trước ngày 10/6/2023.
Đồng thời, Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, trong đó tập trung các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong giai đoạn khó khăn về cung ứng điện hiện nay, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 08/6/2023.
Bộ Công Thương cũng cần nghiên cứu, hướng dẫn xử lý dứt điểm theo thẩm quyền đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã thực hiện đầu tư xây dựng nhưng không đáp ứng thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT (đã hết hạn); khẩn trương hướng dẫn về công tác đàm phán giá điện trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" đối với các dự án điện gió, điện mặt trời thuộc diện nêu trên theo quy định, hoàn thành trong tháng 6/2023...
Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi thẩm quyền và quy định của pháp luật chỉ đạo các Tập đoàn EVN, PVN, TKV phối hợp chặt chẽ, hiệu quả thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tiếp theo; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu EVN tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực, nỗ lực cao nhất trong chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện; tổ chức thực hiện nghiêm theo quy định và theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Công Thương về vấn đề này.
"EVN phải chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện và theo hướng dẫn của Bộ Công Thương; đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện theo quy định", Thủ tướng yêu cầu, đồng thời nhấn mạnh EVN khẩn trương chỉ đạo và trực tiếp tháo gỡ khắc phục sự cố các nhà máy điện, nhất là các nhà máy điện tại miền Bắc để đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam cung cấp đủ than, khí cho các nhà máy điện theo đề nghị của EVN; phối hợp chặt chẽ với EVN trong thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới; khẩn trương chỉ đạo khắc phục ngay sự cố các nhà máy điện thuộc thẩm quyền, sớm đưa vào vận hành trong tháng 6 năm 2023.
Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 01/01/2021 - 01/06/2023.
Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh mối quan tâm của cử tri trước câu hỏi tại sao EVN lỗ triền miên, mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng, liệu đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không? Theo đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.
Đáng chú ý, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây, đặc biệt là việc thường xuyên báo lỗ, trong khi các công ty thành viên báo lãi…
“Vì sao tập đoàn mẹ là EVN thì báo lỗ, nhưng các đơn vị thành viên lại có lãi? Cơ chế độc quyền có dẫn đến nguy cơ lộng hành giá cả, thao túng thị trường điện không?… Đề nghị Chính phủ thành lập đoàn thanh tra đặc biệt để xem xét vấn đề này", đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Thy Lê