Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có buổi làm việc với Đoàn thanh tra chuyên ngành về điện nhằm triển khai cụ thể những yêu cầu, nội dung và thời gian thanh tra.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có buổi làm việc với Đoàn thanh tra chuyên ngành về điện. |
Theo Quyết định số 1377/QĐ-BCT ngày 8/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/6/2023, Đoàn thanh tra chuyên ngành gồm lãnh đạo các đơn vị Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Dầu khí và than.
Việc lập Đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1/1/2021 đến 1/6/2023 là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 517 ngày 6/6/2023 để tìm đúng nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng giao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Đoàn thanh tra làm việc công tâm, khách quan dựa trên quy định của pháp luật và quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng; tình hình và kết quả thực hiện của EVN.
Theo đó, cần làm rõ việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện (về mặt kỹ thuật), tính công bằng; vấn đề truyền tải điện; thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
“Đoàn thanh tra cần tiến hành khẩn trương, quyết liệt trong thời gian 30 ngày kể cả ngày nghỉ”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, đồng thời giao Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trực tiếp giám sát đoàn thanh tra để có kết luận chính xác, khách quan. Bộ trưởng phân công Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thay mặt Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo cuộc thanh tra này.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, do Đoàn thanh tra tiến hành công việc trong thời gian ngắn, làm việc liên tục kể cả vào các ngày nghỉ, khối lượng công việc nhiều nên cần tăng cường công tác nhân lực cả về số lượng và chất lượng nhằm bảo đảm đáp ứng đủ yêu cầu công tác. Các cán bộ tham gia Đoàn thanh tra cần dành ưu tiên cao cho công việc.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thanh tra, đề cương báo cáo; cùng với việc lập Đoàn thanh tra cũng cần tiến hành lập Đoàn giám sát thanh tra. “Yêu cầu Đoàn thanh tra cần bắt tay ngay vào công việc kể từ ngày 10/6/2023”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.
Bộ trưởng Công Thương thừa nhận, trong những ngày gần đây đã xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung cấp điện gây ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Nhấn mạnh năng lượng nói chung, điện nói riêng không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Tư lệnh ngành Công Thương cho rằng, để xảy ra tình trạng thiếu điện dù bất kỳ lý do gì cũng cần chỉ rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục, xử lý thỏa đáng, kịp thời.
Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh mối quan tâm của cử tri trước câu hỏi tại sao EVN lỗ triền miên, mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng, liệu đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không? Theo đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.
Đáng chú ý, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đề nghị, cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây, đặc biệt là việc thường xuyên báo lỗ trong khi các công ty thành viên báo lãi…
“Vì sao tập đoàn mẹ là EVN thì báo lỗ, nhưng các đơn vị thành viên lại có lãi? Cơ chế độc quyền có dẫn đến nguy cơ lộng hành giá cả, thao túng thị trường điện không?… Đề nghị Chính phủ thành lập đoàn thanh tra đặc biệt để xem xét vấn đề này", đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Thy Lê