Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) cho biết, trong quý IV/2021 sẽ xây dựng các chương trình tái sản xuất cho doanh nghiệp (DN) thành viên khi dịch Covid-19 được kiểm soát và mở cửa kinh tế trở lại.
Chờ tăng tốc trở lại
Giữa làn sóng dịch bệnh thời gian qua, nhiều DN ngành gỗ vẫn nỗ lực duy trì sản xuất trong khả năng cho phép. Điều này giúp cho kim ngạch xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ của Bình Dương đạt 549 triệu USD trong tháng 8, chỉ giảm 5,6% so với tháng 7. Số kim ngạch này chiếm đến 65% giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước trong tháng 8.
Các DN ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang háo hức chờ phục hồi sản xuất sau tác động nặng nề của dịch Covid-19 đợt 4. |
Tín hiệu tốt cho việc khôi phục lại hoạt động sản xuất cho DN ngành gỗ nói riêng và các DN nói chung ở tỉnh Bình Dương trong thời gian tới khi tính đến giữa tháng 9/2021, các khu công nghiệp trong tỉnh đã tiêm vắc xin bao phủ cho trên 95% người lao động.
Qua ghi nhận của VnBusiness, nhiều DN tại các khu công nghiệp của tỉnh này đang dần chuyển đổi từ phương án sản xuất “3 tại chỗ” sang mô hình “3 xanh” nhằm tăng tốc sản xuất trở lại trong các tháng cuối năm. Đến nay, đã có 386 DN đăng ký để quay lại sản xuất với 52.820 lao động.
Việc tạo điều kiện tốt cho phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau ngày 15/9 tại Bình Dương (vốn là “vùng dịch” lớn thứ 2 của cả nước) cũng tạo hứng khởi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Minh chứng cho điều này chính là việc ngày 16/9, Công ty Tetra Pak (ở khu công nghiệp VSIP II mở rộng) đã công bố sẽ đầu tư thêm 5 triệu Euro cho nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy. Đây cũng chính là sự khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đợt 4 này.
Còn tại Đồng Nai, các DN đang hy vọng dịch bệnh được kiểm soát tốt để hoàn tất và nhận thêm đơn hàng mới trong quý IV/2021. Như chia sẻ của ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1), để bù lại cho quý III, công ty đang hy vọng trong cuối tháng 9, dịch bệnh sẽ được kiểm soát, giao thương trở lại bình thường để khôi phục lại sản xuất và tăng tốc trong các tháng tới.
Các nhà đầu tư nước ngoài ở Đồng Nai đang háo hức chờ đợi việc khôi phục lại sản xuất bình thường để họ có thể không vuột mất nhiều cơ hội XK vào các tháng cuối năm nay sang các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...
Đồng Nai cũng đang xây dựng lộ trình tái khởi động lại sản xuất, kinh doanh của các DN. Nhất là những khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ chuyển sang trạng thái bình thường để phục hồi kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, sẽ tập trung vào các giải pháp hỗ trợ các DN, cơ sở kinh doanh giảm chi phí, chăm lo đời sống cho người lao động. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, xuất khẩu.
Mong “biến nguy thành cơ”
Có thể nói, để thực hiện thành công “mục tiêu kép” theo yêu cầu của Chính phủ đòi hỏi các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần nhiều nỗ lực hơn nữa cho việc tạo đà phục hồi sản xuất.
Tại “tâm dịch” Tp.HCM hiện nay đã thống nhất lộ trình “mở cửa” phục hồi kinh tế với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là từ ngày 1 - 31/10/2021; giai đoạn 2 là từ ngày 1 /11/2021 - 15/1/2022; giai đoạn 3 là sau thời gian đó với tất cả các diễn biến tùy thuộc tình hình dịch bệnh thực tế.
Theo giới chuyên gia, kinh tế Tp.HCM có vai trò trung tâm, điểm kết nối hết sức quan trọng giữa các địa phương trong và ngoài vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Kinh tế Tp.HCM này có độ mở cao nhất cả nước, việc phục hồi sản xuất không thể tách rời mối quan hệ với các tỉnh khác trong vùng. Do vậy, để việc khôi phục sản xuất tốt trong thời gian tới, điều quan trọng là phải kiểm soát tốt được dịch bệnh của Tp.HCM và các tỉnh phía Nam.
Về phía các DN ở Tp.HCM, giới chuyên gia kinh tế lưu ý, trong lúc này phải giữ được sự ổn định nguồn nhân lực, củng cố và duy trì các mối quan hệ liên kết với đối tác, khách hàng nhằm giữ cho được các mối quan hệ làm ăn truyền thống để khi phục hồi sản xuất thì phát huy hiệu quả ngay.
Với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mới đây đã có 2 ngày liên tiếp diễn ra hội nghị trực tuyến đối thoại, gặp gỡ các hiệp hội DN, nhà đầu tư nhằm bàn về việc hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã xây dựng phương án từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất. Trong đó, tạo điều kiện an toàn cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, XK. Tỉnh cũng đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc an toàn mới.
Trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sau tác động của dịch Covid-19 đợt 4, giới chuyên gia nhấn mạnh việc thực thi các giải pháp liên kết vùng lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ để có thể “biến nguy thành cơ”.
Bên cạnh đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần giảm đến mức thấp nhất việc gãy khúc chuỗi XK tại các thị trường bên ngoài. Nhất là kịp thời giải quyết những khúc mắc trong phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng, cũng như sớm thực thi tốt các chính sách hỗ trợ DN trở lại hoạt động.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.