Ông Pascal Billaud, Giám đốc điều hành Central Food Retail Group, Đại sứ châu Á về chỉ dẫn địa lý của Liên Hiệp quốc, đặt vấn đề: cũng là tiêu nhưng tại sao tiêu đen Kampot của Campuchia lại đắt gấp ba lần tiêu Việt Nam?
Theo lý giải của ông Pascal Billaud, điều đó cho thấy Việt Nam chưa làm tốt lợi ích của chỉ dẫn địa lý trong việc tăng năng suất cho người trồng. Các lợi ích khác về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhãn hiệu thông qua sản phẩm có chỉ dẫn địa lý cũng chưa được khai thác triệt để.
Chưa làm tốt các lợi ích
Thực ra, giá tiêu đen Kampot sẽ khó nằm ở mức 15 USD/kg trong bối cảnh thị trường hồ tiêu trên thế giới tụt dốc thê thảm nếu như không sớm xây dựng thương hiệu riêng, có chỉ dẫn địa lý từ vài năm trước và quảng bá, tìm kiếm thị trường ở Mỹ, EU, Nhật, Hàn… với sự hỗ trợ đắc lực của Chính phủ Campuchia. Ngay cả các loại tiêu khác của giống tiêu bản địa Kampot cũng có giá rất cao như tiêu đỏ 25 USD/kg, tiêu trắng 28 USD/kg.
Ông Hoàng Phước Bính, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), kể câu chuyện khi sang tìm hiểu thị trường hồ tiêu Campuchia mới thấy họ không chăm chăm mở rộng diện tích mà hướng vào việc đầu tư sản xuất hạt tiêu sạch hữu cơ (Organic) nên bán được với giá rất cao (14,5 USD/kg).
Sự chênh lệch giữa giá tiêu Việt Nam với loại tiêu bản địa Kampot của Campuchia không chỉ là chuyện riêng của ngành hồ tiêu Việt Nam, mà còn là chuyện chung về mức giá thấp, thua sút về giá của nông sản Việt hiện nay so với nông sản của các nước trong khu vực.
Tại hội thảo quốc tế về kết nối doanh nghiệp (DN) cùng phát triển thị trường giữa các nước ASEAN và các nước đối tác diễn ra ở Thái Lan hồi cuối tuần qua, ông Pascal Billaud đã lưu ý vấn đề này.
Ông Pascal Billaud đặc biệt nhấn mạnh với các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý mà Việt Nam hiện nay đang xuất sang Trung Quốc, nên bảo vệ những khu vực sản xuất này, đảm bảo sự cân bằng và công bằng cho nông dân.
Lấy trường hợp của Central Food, ông Pascal Billaud cho biết DN này đang hỗ trợ cho các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý ở Thái Lan về việc tìm nguồn cung ứng của sản phẩm để cung cấp cho khách hàng, có một chứng nhận sản phẩm đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, phía Central còn giúp truy xuất để biết nguồn gốc của sản phẩm, quảng bá sản phẩm chỉ dẫn địa lý trên kênh mua sắm trực tuyến của mình. Đồng thời, còn tạo nền kinh tế bền vững bằng việc đảm bảo thu nhập cho nông dân địa phương, hỗ trợ các DN nhỏ tại địa phương.
Trở lại vấn đề về giá, ngay như ngành hàng lúa gạo, dù Việt Nam là quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng giá bán gạo của Việt Nam hiện nay cũng không bằng giá bán gạo của Campuchia hay Thái Lan. Như Campuchia, dù quy mô sản xuất lúa gạo không bằng Việt Nam, nhưng trong 5 năm trở lại đây đã nổi lên như một thị trường cung cấp gạo cao cấp cho thế giới.
Nông sản Việt sẽ có giá tốt khi làm tốt trong việc nâng giá trị |
Bao giờ giá cao?
Nhờ chiến dịch tiếp thị gạo, Campuchia không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng. Họ đã tiếp cận được nhiều thị trường khó tính như EU và cạnh tranh mạnh với gạo Thái Lan.
Sản lượng gạo của Campuchia tuy ít nhưng có đến 40% là chất lượng cao, giá bán xuất khẩu cũng cao hơn. Giá các loại gạo như 5% tấm, 25% tấm, gạo lứt của Campuchia luôn cao hơn giá gạo cùng loại của Việt Nam tới vài chục USD/tấn.
Trước sự đi lên của nông sản Campuchia, nhìn lại mức giá thấp của nông sản Việt hiện nay, theo giới chuyên gia, chúng ta vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho nông sản Việt phải gắn với chuỗi giá trị, đảm bảo sự phát triển bền vững để tiếp cận vào phân khúc thị trường chất lượng cao.
Trong khi đó, các DN kinh doanh các mặt hàng nông sản của Việt Nam nhìn chung vẫn chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của thương hiệu, một yếu tố có vai trò quyết định đến sự sống còn của DN.
Ngoài ra, những mặt hạn chế về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhãn hiệu thông qua sản phẩm có chỉ dẫn địa lý như ông Pascal Billaud chỉ ra cũng chính là các điểm yếu của nhiều DN Việt hiện nay.
Với nhiều trải nghiệm khi dự các hội chợ nông sản thực phẩm quốc tế, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết: Có thể nói bao bì sản phẩm nông sản Việt nhìn chung còn thua các nước, chuyện này không mới. Cái mới là họ đang đua kịch liệt về thay đổi chất liệu và kỹ thuật, trong khi ta còn lơ ngơ cãi nhau về… mỹ thuật.
Nói như thế không có nghĩa là chất lượng sản phẩm nông sản Việt không cải thiện, thậm chí độ tinh tế còn có nhiều mặt hơn các loại nông sản khác trong khu vực, như trái cây sấy chẳng hạn.
Theo bà Hạnh, công nghệ sấy lạnh và sinh học của thương hiệu Vinamit "chẳng ngán ai". Khách Nhật nếm thử miếng sầu riêng tròn mắt tâm phục, còn sản phẩm yaourt đông khô của DN này có độ dòn và thơm, tan trong miệng hấp dẫn hơn hẳn các sản phẩm của Thái Lan cùng loại.
Từ đó, để thấy vấn đề cần là những người làm nông nghiệp mới ở Việt Nam phải có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản và có chỉ dẫn địa lý thì mới có thể nâng được mức giá cao lên.
Điều quan trọng là phải quản lý về chất lượng sản phẩm nông sản để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế đối với các loại nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn, chất lượng.
Thế Vinh