Đây cũng là than phiền của nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
DN muốn khâu thủ tục hải quan dành cho nông sản XK phải đồng bộ và tốt hơn khi mà họ đã dành nhiều công sức (với sự hỗ trợ của các đối tác Việt Nam) để sản xuất các mặt hàng nông sản chất lượng cao.
Mất thời gian, đội chi phí
Thực ra, phần lớn các mặt hàng nông sản mà DN Nhật đầu tư ở Đà Lạt là để tiêu thụ cho thị trường Việt Nam. Nhưng những năm gần đây, xu hướng XK nông sản Việt sang các nước lân cận tăng mạnh nên các DN này cũng bắt nhịp.
Tuy nhiên, hiện nay, DN không thể làm các thủ tục hải quan để XK nông sản tại sân bay quốc tế Liên Khương. Phần lớn các trường hợp thủ tục hải quan chỉ được tiến hành sau khi vận chuyển nông sản để XK từ Đà Lạt xuống Tp.HCM.
Điều đó dẫn đến mất nhiều thời gian cho khâu vận chuyển và độ tươi ngon của nông sản cũng bị giảm sút. Qua câu chuyện này, tại buổi trao đổi ý kiến công – tư giữa DN thực phẩm Nhật Bản và các bộ, ngành diễn ra ở Tp.HCM mới đây, đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) cho rằng cùng với việc chi phí vận chuyển được tính vào giá bán cuối cùng nên việc không thể tiến hành các thủ tục hải quan tại Đà Lạt sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông sản của địa phương trên thị trường quốc tế.
Câu hỏi đặt ra là tại sao phía cơ quan quản lý không xây dựng cơ chế cho phép tiến hành các thủ tục hải quan về XK tại Đà Lạt, trong khi địa phương này được đánh giá là “thủ phủ” nông sản chất lượng cao của Việt Nam hiện nay?
Sự bất cập trong khâu thủ tục không chỉ làm phiền lòng giới đầu tư Nhật vào ngành nông nghiệp, mà ngay các DN trong nước cũng bực mình vì chuyện này vừa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ vừa làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt.
Ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó Giám đốc kinh doanh công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre), cho biết do trong nước có thời điểm thiếu nguồn cung nguyên liệu dừa làm ảnh hưởng đến việc đáp ứng các đơn hàng XK dừa chế biến nên công ty phải sang Indonesia nhập khẩu dừa trái (đặc biệt là dừa già).
Tuy nhiên, trong vòng 15 – 20 ngày, khi thu mua rồi vận chuyển dừa (chứa trong container) từ nước ngoài về đến Việt Nam, nhiều trái dừa già nảy mầm. Quan điểm của cơ quan quản lý là trái gì nảy mầm được thì trồng được, làm giống được. Nghĩa là nhập giống thì khâu thủ tục kiểm tra hàng nhập khẩu phải chờ “xem xét”, làm DN rơi vào vòng luẩn quẩn.
UBND tỉnh Bến Tre đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT đề xuất tháo gỡ khó khăn cho công ty Lương Quới lúc đó và Bộ này trả lời qua công văn rằng việc nhập như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt của nông dân (!?).
Bất cập trong khâu thủ tục làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt
Cần môi trường thuận lợi
Dưới quan điểm của ông Thịnh, điều đó không có cơ sở. Đơn cử như Thái Lan (có nguyên liệu dừa ngang ngửa với Việt Nam) nhưng họ vẫn thường xuyên nhập khẩu dừa từ Indonesia để phục vụ cho chế biến. Vì vậy, phía DN nản lòng vì vấn đề cứng nhắc trong khâu thủ tục.
Ngoài ra, để giảm chi phí vận chuyển nhằm giảm giá thành – tăng tính cạnh tranh nông sản XK, thay vì chọn một DN logistics nội địa phải đối mặt thời gian, giá cả, thủ tục lằng nhằng, công ty Lương Quới đang hợp tác với một hãng logistics ở Mỹ vừa có mức giá cước vận chuyển ổn định vừa “bao sân” từ đầu đến cuối khi XK hàng hóa sang hơn 10 quốc gia. Phía DN chỉ giao hàng FOB ra tới cảng là xong, theo tiêu chuẩn của hãng đưa ra.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng cơ chế chính sách còn bất cập mà bản thân DN này thấy điều này rõ nhất.
Chẳng hạn như XK gạo, hiện đang kêu gọi nông dân, kêu gọi DN liên kết với nhau, cùng thay đổi tái cơ cấu nông nghiệp để bán được gạo, để gạo Việt Nam bán được giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, có thời điểm DN gạo của Việt Nam tìm được thị trường nhưng không được trực tiếp bán vào thị trường đó.
Phía Trung An từng vất vả, 2 năm đeo đuổi mới được thị trường Malaysia chấp nhận, chọn để mua gạo chất lượng cao của công ty thay vì mua gạo Thái như trước đó. Nhưng lại có cơ chế là DN này không được bán vào thị trường Malaysia vì đó thị trường tập trung của Chính phủ, tức là chỉ có 1 – 2 DN được đại diện bán ở đó.
Kể ra câu chuyện này, ông Bình muốn lưu ý là tại sao trong nước có những cơ chế, chính sách đi ngược với thị trường nông sản trên thế giới. Nhất là khi nhiều quốc gia sẵn sàng bằng mọi giá để bảo vệ ngành nông sản của họ.
Thiết nghĩ, cũng nên nhắc lại khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới với ngành nông nghiệp Việt trong công tác quản lý nhà nước, đó là để đạt hiệu quả cao hơn, trong một số trường hợp, Nhà nước nên thực hiện từng bước và phải tính đến thực tiễn hoạt động thường nhật của các DN với tính chất, quy mô khác nhau.
Ngoài ra, bằng cách tập trung vào kiến tạo môi trường thuận lợi, Nhà nước sẽ có thể huy động được nhiều nguồn vốn để từ đó khuyến khích và thu hút đầu tư của nông dân và DN hơn nữa.
Thế Vinh