Trước khi ông Trump lên làm Tổng thống, theo đánh giá, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam, vượt xa các khu vực khác. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2015, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 33,5 tỷ USD, và nhập khẩu từ nước này 7,8 tỷ USD, mang lại thặng dư thương mại 25,7 tỷ USD.
Đối tác thương mại lớn thứ hai
Kết quả thực hiện năm 2015 cho thấy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ là rất nhanh, bình quân đạt 21%/năm cho giai đoạn 2010-2015 và tăng nhanh hơn trong hai năm trở lại đây. Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chủ yếu là mặt hàng dệt may, giày dép, các mặt hàng gỗ và nông sản.
Số liệu xuất khẩu của năm 2015 cũng cho thấy nước ta xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ hai và xuất khẩu giày dép đứng thứ ba trong số các nước xuất khẩu vào Mỹ. Dự báo kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ đạt khoảng 38,5 tỷ USD vào cuối năm 2016.
Đồng thời, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan 4 tháng tính từ đầu năm 2016, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (chỉ đứng sau Trung Quốc) với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 13,92 tỷ USD, chiếm 13,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, có mức tăng 13,5% so với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2015.
Tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 10 năm trở lại đây luôn đạt mức cao. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2006 là 8,81 tỷ USD, đến năm 2015 lên 41,26 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng bình quân trên 19% mỗi năm. Cán cân thương mại hàng hóa song phương luôn đạt mức thặng dư cao về phía Việt Nam, cụ thể từ mức 6,85 tỷ USD năm 2006 và đã lên đến 25,67 tỷ USD năm 2015.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kỳ 4 tháng đầu năm 2016 như: hàng dệt may đạt kim ngạch 3,4 tỷ USD, chiếm 29,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ,_tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2015; đứng thứ hai là điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,466 tỷ USD, chiếm 12,8% trong tổng kim ngạch, đạt mức tăng trưởng 83,8% so với cùng kỳ năm 2015; đứng thứ ba là giầy dép các loại, đạt kim ngạch 1,330 tỷ USD, chiếm 11,6% trong tổng kim ngạch và đạt mức tăng trưởng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Đặc biệt, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu được phê duyệt, dự kiến sẽ góp phần giúp trao đổi thương mại song phương đạt 50 tỷ USD vào năm 2020.
![]() |
Tăng thuế nhập khẩu, hủy bỏ TPP?
Tuy nhiên, khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống, các chuyên gia đánh giá rằng nhiều khả năng, Hoa Kỳ sẽ đánh thuế mạnh lên hàng hoá nhập khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất nội địa đúng với quan điểm của ông Trump khi tranh cử.
Cụ thể, theo báo cáo của công ty Cổ phần chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam ở một số ngành cụ thể.
Theo quan điểm tranh cử của ông Donald Trump, thuế nhập khẩu có thể tăng và ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ. Trong đó, hầu hết là các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn trên 1 tỷ USD như dệt may, giầy dép, điện thoại, máy vi tính và điện tử, máy móc, gỗ lâm sản.
Đồng quan điểm, công ty chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng việc ông Donald Trump lên làm Tổng thống Hoa Kỳ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới một số ngành của Việt Nam như khoáng sản, dệt may và da giày và một số hàng hoá cơ bản khác.
Đại diện công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) nhận định rằng ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ có thể tăng thuế nhập khẩu và ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như dệt may, giầy dép, điện thoại, máy vi tính và điện tử, gỗ, máy móc và thủy sản… Đây đều là những ngành có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay.
Nhận định biến cố bất ngờ với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, chính là Brexit và kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vừa diễn ra. Ông Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin dự báo kinh tế xã hội (Bộ KH&ĐT), cho rằng chủ nghĩa dân tuý và chống toàn cầu hoá của ông Trump sẽ ảnh hưởng tới toàn cầu hoá và các hiệp định thương mại tự do sẽ ký kết. Từ đó, sẽ ảnh hưởng tới hàng hoá xuất khẩu của chúng ta và kéo theo là tăng trưởng kinh tế sẽ suy giảm.
Cùng với đó, về Hiệp định TPP với sự tham gia của Mỹ và 11 nước gồm Canada, Úc, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Việt Nam, Singapore, Peru, New Zealand, Chile và Brunei với rất nhiều kỳ vọng về tăng trưởng thương mại thông qua hiệp định này. Nhưng khi ông Donald Trump làm Tổng thống, người ta lại đặt ra nhiều lo ngại và hoài nghi về tương lai của hiệp định này.
Đánh giá dù cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ vừa rồi đều bày bỏ ý định tăng cường bảo hộ thương mại, sản xuất trong nước, phản đối Hiệp định TPP, Ts. Bùi Quang Tín vẫn nhận định rằng bà Hillary Clinton không có thái độ kiên quyết phản đối TPP như ông Trump. Vậy nên, việc ông Trump trúng cử Tổng thống, khả năng lớn là TPP sẽ bị hủy bỏ.
Song ở một khía cạnh khác, ông Khôi nêu quan điểm rằng sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ sẽ không ảnh hưởng tới việc TPP được kí kết trong tương lai”.
“Đó có thể là bài chính trị, ông Trump khó có thể thay đổi những quyết định đã được thông qua trước đó. Tôi hy vọng khi lên nắm chính quyền, việc không thông qua TPP sẽ không xảy ra dù phải điều chỉnh”, ông Khôi nói.
Ngoài ra, khi đánh giá về những tác động mà kinh tế Việt Nam sẽ gặp phải khi ông Donald Trump làm Tổng thống, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng đây sẽ là một cú sốc mạnh cho chứng khoán thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, do các quan điểm cứng rắn và không có lợi cho kinh tế toàn cầu của ông Trump.
“Chủ nghĩa bảo hộ sẽ lên ngôi sau cuộc bầu cử này, khi Mỹ đóng vai trò kích hoạt, tiến trình toàn cầu hoá do đó sẽ bị chậm lại, ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại toàn cầu. Đồng thời, ở góc độ tài chính, khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển hướng về các tài sản rủi ro (vàng, trái phiếu) nên kéo theo thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam sẽ có nhịp điều chỉnh giảm”, Ts. Bùi Quang Tín dự báo.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương ------------------------------- Tổng thống mới của Mỹ chưa nhậm chức nên chưa thể nói là dựa trên điều gì để chúng ta đưa ra các tình huống. Chúng ta có quan điểm, chính sách nhất quán trong việc Hội nhập chủ động, sâu, rộng với thế giới và TPP cũng là một hướng đi đó. Bản thân trong việc xây dựng TPP chúng ta cũng đi theo dòng chảy chung của thương mại thế giới. Các thay đổi hay bất cứ tình hình phức tạp gì chúng ta sẽ có thời gian dự đoán, tiếp tục xây dựng các phương án. Tuy nhiên, cái đó phải dựa trên cơ sở của các chính sách đối ngoại được công bố chính xác. Quan điểm của Việt Nam đối với phát triển quan hệ thương mại quốc tế đều định hướng theo đa phương hóa, đa dạng hóa các mỗi quan hệ thương mại. Bên cạnh TPP, chúng ta có rất nhiều Hiệp định thương mại tự do khác đã và đang được ký kết. Tất nhiên TPP có tầm vóc, bối cảnh rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới. Ts. Bùi Kiến Thành, Chuyên gia Kinh tế |
Lê Thúy