Sau 5 tháng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, thương mại của Việt Nam với một số nước là thành viên CPTPP đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái, như với Canada tăng tới 70%, Mexico tăng trên 8%. Đây là những nước mà Việt Nam không có hiệp định thương mại tự do - FTA. Tuy nhiên, dù Việt Nam đã có FTA riêng với Nhật Bản, nhưng thương mại cũng chỉ tăng 4%.
Doanh nghiệp còn lúng túng
Phân tích cụ thể hơn những yêu cầu CPTPP đặt ra với hàng hóa, doanh nghiệp (DN) sản xuất Việt Nam, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) quan ngại quy tắc xuất xứ hàng hóa nêu tại Hiệp định.
Ví dụ, ngành dệt may lâu nay vốn được coi là hàng có lợi thế khi Việt Nam gia nhập các FTA thế hệ mới, tuy nhiên mỗi một hiệp định khác nhau thì quy định xuất xứ hàng hóa lại khác nhau.
Chẳng hạn như về xuất xứ hàng hóa được quy định tại CPTPP, phần lớn nguyên liệu sản xuất ngành này lại không nằm trong số các nước được CPTPP chấp nhận về nguồn gốc xuất xứ, nên khả năng nhiều sản phẩm dệt may không thỏa mãn điều kiện của Hiệp định.
Thực tế, phần lớn nguyên liệu phục vụ trong ngành dệt may đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, ông Cường cho rằng các DN lĩnh vực này cần sớm có lộ trình chuyển đổi sang tự chủ nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nhập từ các nước được công nhận để đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
"Làm tốt việc này sẽ thu hút nhà đầu tư sản xuất chuỗi nguyên liệu trong nước và Việt Nam sẽ không dừng lại ở nền sản xuất sản phẩm gia công như hiện nay ngược lại, còn là cơ hội để sản phẩm Việt Nam tiếp cận từ khâu đầu tới khâu cuối của chuỗi phân phối sản xuất sản phẩm", ông Cường nói.
Ngoài ra, DN cần quan tâm đến vấn đề lưu trữ hồ sơ, chứng từ xuất xứ, vì không phải khi chứng từ của DN được chuyển sang nước nhập khẩu và được hưởng ưu đãi là xong.
"Trong quá trình kiểm tra sau thông quan sau này, hải quan các nước nhập khẩu có thể xem lại hồ sơ và đề nghị xác minh xuất xứ. Nếu như DN không chứng minh được trong quá trình hậu kiểm thì nước nhập khẩu sẽ không cho chúng ta được hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định", ông Cường nói.
Khả năng nhiều sản phẩm dệt may không thỏa mãn điều kiện về nguồn gốc xuất xứ của CPTPP |
DN phải tận dụng thời cơ
Đại biểu Đoàn Hà Nội lưu ý, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, nhiều nhà đầu tư có thể rời bỏ thị trường Trung Quốc, chuyển sản xuất sang nước thứ ba như Việt Nam để né thuế.
Vì thế, đáp ứng nguyên tắc xuất xứ sản phẩm của hàng Việt còn là cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm phát triển công nghiệp chế biến chế tạo trong khu vực.
Ngược lại, nếu không làm tốt sẽ khiến hàng hóa nguyên liệu các nước không rõ nguồn gốc tuồn vào, làm chết đi sản xuất trong nước hoặc nặng nề hơn – Việt Nam có thể rơi vào trạng thái vi phạm cam kết của CPTPP.
Từ đó, ông Cường cho rằng, việc quan trọng là phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của DN và cả các cơ quan quản lý để hiện thực hóa những cơ hội mở ra từ CTPPP.
Trả lời chất vấn của các đại biểu tại nghị trường Quốc hội ngày 6/6 về việc thực hiện các FTA, cơ hội và thách thức, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhắc tới việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP với 11 nước.
Chính phủ cũng đã ban hành nghị định để thực hiện khi Hiệp định có hiệu lực từ đầu năm 2019. Cho đến nay, đã có 21 bộ ngành và 54 địa phương ban hành kế hoạch hành động.
Chính phủ cũng ban hành sửa đổi bổ sung 8 luật liên quan, 4 nghị định về quản lý ngoại thương, an toàn thực phẩm… Theo đó, thương mại của Việt Nam với một số nước là thành viên CPTTP đã tăng, như với Canada tăng tới 70%, với Nhật tăng 4%, dù với Nhật Bản và Việt Nam đã có FTA riêng.
Vấn đề quan trọng, theo Phó Thủ tướng, là DN Việt phải tận dụng được thời cơ này và thực thi ngay các cam kết trong CPTPP.
Theo đó, gần 66 mặt hàng của Việt Nam có mức thuế giảm xuống 0%, 86,5% một số mặt hàng sẽ giảm sau 3 năm và sau 11 năm sẽ xóa bỏ 100%.
"Như vậy, thách thức cũng là hàng hóa của các nước vào thị trường Việt Nam, nên đòi hỏi nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của các DN là hết sức cần thiết", Phó Thủ tướng nói.
Ngoài ra, đây là FTA thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao. "Ngay cả trong lĩnh vực dệt may là thế mạnh của chúng ta thì cũng có quy định rất chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa. Để tận dụng được thuế giảm về 0 hoặc thấp của dệt may, chúng ta phải bảo đảm được xuất xứ hàng hóa. Đó là một thách thức với DN Việt Nam", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Huyền Anh