Đã thành thông lệ, ngày 13 tháng 10 là ngày tôn vinh doanh nhân Việt Nam. Hình như chẳng có mấy nước trên thế giới có ngày này, bởi có khi doanh nhân và xã hội họ không cần thiết điều đó. Thế nhưng, Việt Nam ta lại có, từ năm 2004 đến nay. Và có lẽ Việt Nam ta cũng cần ngày này thật.
Đang có nhiều doanh nhân hơn thế
Ngày nay, vai trò của doanh nhân là một động lực phát triển, không chỉ trong kinh tế mà cả trong xã hội, đã được thừa nhận và được coi trọng. Sự phát triển về kinh tế của đất nước đã gắn liền với công sức, tiền của và trí tuệ của doanh nhân.
Chúng ta đang có nhiều doanh nhân hơn thế nếu nhìn từ khu vực kinh tế HTX và những nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, thời kỳ hội nhập của kinh tế thị trường. |
Nếu như trước kia hàng chục năm, không có mấy người dám nhận mình là doanh nhân, thì ngày nay hai chữ Doanh Nhân gần như là biểu tượng của sự thành đạt và tự hào của rất nhiều người.
Hai chữ Doanh Nhân đã trở thành một thương hiệu cá nhân của những người thành đạt, trong kinh doanh, tất nhiên. Và càng ngày càng nhiều người muốn có thương hiệu đó, chẳng hề kém các chức vụ trong quản lý, chức danh, học vị, trong khoa học.
Cho đến nay, khi tôn vinh doanh nhân, chúng ta vẫn thường nhắc đến những tỷ phủ, triệu phú, là những thiên tài kinh doanh như Henry Ford, Bill Gates, Jeff Bezos hay Elon Musk....
Ở trong nước thường là các tỷ phủ, các đại gia tên tuổi như “bầu” Đức của Hoàng Anh Gia Lai, “bầu” Hiển của SHB, ông chủ của Masan, bà chủ của Vietjet, của TH...
Bên cạnh đó, chúng ta còn rất nhiều doanh nhân khác: những ông chủ của doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp gia đình, cũng như cả hàng triệu tiểu thương và cá thể kinh doanh khác.
Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Có lẽ không mấy người nghĩ rằng hàng triệu người nông dân cũng chính là các doanh nhân. Nhất là nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, thời kỳ hội nhập của kinh tế thị trường trong nước với thế giới.
Thật thế, đối với một ông Hai Kiệt ở Tiền Giang chuyên nuôi gà và nuôi heo. Ông phải đầu tư, vay vốn, phải tính toán hiệu quả đầu ra, đầu vào, phải tìm thị trường và xây dựng thương hiệu “Gà ta Gò Công”. Hai vợ chồng không đủ sức chăm hết 200 gà và 15 heo nái, ông Hai phải tính toán hơn thiệt và thuê 2 nhân công phụ giúp.
Cũng vậy, là ông nông dân Năm An ở Long An. Ông phải cân nhắc nên trồng dưa hấu hay trồng thanh long thì có lợi hơn trên mấy công ruộng của mình. Muốn vay vốn thì phải biết lập kế hoạch kinh doanh.
Đến vụ, ông An phải thuê cả chục người hái thanh long, rồi lau sạch và tổ chức đóng gói để bán được giá cao hơn. Cả hai ông nông dân miền Tây còn đứng ra thành lập HTX, giúp nhiều nông dân cũng trở thành ông chủ nhỏ, như mình.
Tâm thế doanh nhân ở khu vực HTX
Hoặc như ở Đồng Nai có chị Đặng Thị Thuý Nga vốn là nông dân trồng cây ăn trái, nhưng nay lại nổi danh là nữ doanh nhân “nặng lòng” với quả sầu riêng. HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định ở xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) - nơi chị “cầm lái” làm giám đốc, là một trong số ít HTX thực hiện thành công dự án cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đặc sản sầu riêng VietGAP.
Với tâm thế của một doanh nhân thực thụ ở khu vực kinh tế HTX, đã lèo lái để giúp cho HTX của mình vững tiến trong những giai đoạn đầy thử thách, chị Nga chia sẻ "công việc luôn bận tối mặt, từ việc tự bỏ tiền túi đi học tập kinh nghiệm ở các HTX làm ăn hiệu quả".
Không những vậy, chị còn bỏ công, bỏ tiền tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại, rồi nhờ doanh nghiệp tư vấn, thuê kế toán viên chuyên nghiệp lập hồ sơ, giấy tờ để HTX vận hành minh bạch, hiệu quả như một doanh nghiệp.
Trên thực tế, với tâm thế doanh nhân, có nhiều giám đốc HTX trong cả nước luôn bận bịu như vậy, nhất là trước tác động nặng nề của dịch Covid-19 càng đòi hỏi họ nỗ lực nhiều hơn nữa. Điều đáng quý hơn, trước khi làm giám đốc có những người từng là nông dân, luôn có cái tâm trăn trở để vươn lên trong hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ cho bản thân mình mà cho cả tập thể.
Để làm như một doanh nhân thực thụ, họ đã dành tâm sức rất nhiều. Như tâm sự chị Nga, khi được giao nhiệm vụ lèo lái, làm mới một HTX, đòi hỏi đủ thứ phải học, phải làm, phải nỗ lực tìm kiếm bạn hàng, tìm đối tác mở rộng thị trường xuất khẩu cho HTX.
Hoặc như người nông dân chuyên trồng lúa, cũng không còn mấy người còn tự làm tất cả các công đoạn. Phần lớn nông dân ngày nay đều phải tính toán rất kỹ từ đầu vụ, mua giống, chọn thuê người làm đất, thuê người gặt lúa, tìm nơi bán thóc,...
Họ đều phải tính toán hiệu quả hơn thiệt như những doanh nhân thực thụ. Không, không phải là “như” nữa, mà đa phần nông dân ngày nay đang và tiếp tục sẽ là những doanh nhân thực thụ rồi. Có thể họ chưa giàu, chưa thành công nhiều nhưng họ vẫn đang là những doanh nhân chính hiệu nếu ai đó thử muốn cân đo các tiêu chí về doanh nhân.
Rõ ràng, chúng ta đang có nhiều doanh nhân hơn như chúng ta nghĩ. Vì vậy, nhân Ngày doanh nhân Việt Nam, chúng ta tôn vinh, trân trọng và đối xử bình đẳng với tất cả các doanh nhân, trong đó có hàng triệu tiểu thương, người kinh doanh cá thể và cả chục triệu nông dân Việt Nam.
Riêng khu vực kinh tế HTX, với tâm thế doanh nhân, đang đòi hỏi các giám đốc HTX ngày càng đổi mới tư duy trong hợp tác kinh doanh với phương châm “tất cả cùng thắng”.
Thương trường tuy có thể hiểu là chiến trường, nhưng thay vào đó là vừa hợp tác vừa cạnh tranh, các doanh nhân ở HTX cần chủ động tìm bạn và đối tác để tạo thêm thế mạnh cho HTX, phải huy động trí sáng tạo, phải làm khác hơn và hay hơn.
Mọi doanh nhân đều được bình đẳng. Với những doanh nhân ở khu vực kinh tế HTX cũng vậy. Cho nên, cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách cần có cơ chế, chính sách thuận lợi để khu vực kinh tế HTX sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ ngày một tăng lên, tạo điều kiện cho sự sáng tạo, sự cạnh tranh lành mạnh của cộng đồng HTX và cho sự phát triển của toàn xã hội.
Thế Vinh