Đây được xem là nghị quyết mở đường để hỗ trợ khu vực kinh tế hợp tác xã (HTX) phục hồi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đợt 4 đã tác động nặng nề đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX.
Nhiều giải pháp “cứu” hợp tác xã
Theo đó, các chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết số 105/NQ-CP là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), HTX, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Nghị quyết số 105/NQ-CP được kỳ vọng sẽ tạo động lực phục hồi tốt cho khu vực kinh tế HTX trong giai đoạn đầy thách thức trước đại dịch Covid-19. |
Bên cạnh đó là việc đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.
Các địa phương cùng với DN, HTX hộ kinh doanh, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của DN, HTX, hộ kinh doanh.
Chính sách cũng nêu rõ việc chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép DN, HTX, hộ kinh doanh hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện an toàn phòng, chống dịch.
Ngoài ra, hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy, HTX, hộ kinh doanh nhưng phải an toàn phòng, chống dịch. Nhất là không tạo ra các loại giấy phép “con”, các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Hơn thế nữa, cần huy động tối đa các nguồn lực hiện có, nhất là hợp tác công tư để hỗ trợ cho người lao động tại các DN, HTX, hộ kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho người lao động; không tạo ra các loại giấy phép “con”, các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.
Trong Nghị quyết 105/NQ-CP cũng nêu rõ về việc hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, HTX, hộ kinh doanh
Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan khẩn trương trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động, DN, HTX, hộ kinh doanh và các đối tượng sử dụng lao động khác, hoàn thành trong tháng 9/2021.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ kêu gọi cộng đồng DN, HTX, hộ kinh doanh phát huy tinh thần yêu nước, bản lĩnh, khát vọng và giá trị “tâm - tài - trí - tín” của đội ngũ doanh nhân tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững.
Tạo động lực phục hồi
Có thể nói Nghị quyết số 105/NQ-CP đã có những bổ sung, sửa đổi hợp lý sau những góp ý của Liên minh HTX Việt Nam. Bởi trong bản dự thảo trước đó do Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) soạn thảo lại không hề có bất cứ một dòng nào có liên quan đến khu vực kinh tế HTX.
Trong Nghị quyết số 105/NQ-CP có nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo ổn định sản xuất cho các HTX nông nghiệp. |
Điều này, như phản ảnh trong bài viết “Sao lại “bỏ rơi” hợp tác xã trong thụ hưởng chính sách Covid-19 ? ”của VnBusiness hôm 25/8/2021, đó là khiến cho những người đang tham gia trong khu vực kinh tế HTX đặt dấu hỏi phải chăng khu vực kinh tế HTX đang bị “bỏ rơi” trong khâu chính sách hỗ trợ giữa bối cảnh Covid-19 vốn đầy rẫy khó khăn như hiện nay.
Nhất là tác động của đại dịch Covid-19 làm cho 90% tổng số HTX đã giảm mạnh doanh thu và tỷ lệ lớn HTX hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động do đứt gãy chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản và dịch vụ, trong khi chi phí đầu vào lại tăng.
Đặc biệt khi các HTX cũng đang gặp các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh tương tự như các DN.
Trong khi đó, vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân của khu vực kinh tế HTX có thể thấy rõ khi hiện nay cả nước có 26.145 HTX, trong đó có 17.060 HTX nông nghiệp và 7.897 HTX phi nông nghiệp (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, thương mại và tiêu dùng, môi trường, du lịch…); 106 liên hiệp HTX và gần 120.000 tổ hợp tác, thu hút hơn 8 triệu thành viên là đại diện hộ gia đình, tác động đến đời sống và thu nhập của khoảng 30 triệu người, chủ yếu là địa bàn nông thôn.
Chính vì vậy, trong văn bản góp ý về dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được kịp thời gửi đến Bộ KH&ĐT và Văn phòng Chính phủ, Liên minh HTX Việt Nam đã đề nghị cần xem xét chỉnh sửa, bổ sung vào dự thảo, là cần ghi cụm từ “doanh nghiệp, hợp tác xã” trong toàn bộ nội dung Nghị quyết.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và các tổ chức kinh tế là “hài hòa về lợi ích và chia sẻ rủi ro”. Theo đó, Nhà nước áp dụng chính sách hỗ trợ công bằng giữa HTX và DN là cần thiết và hợp lý, đảm bảo tính công khai, minh bạch và khả thi trong tổ chức thực hiện chính sách của các bộ, ngành và địa phương
Và với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Nghị quyết số 105/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 9/9 đã không “bỏ quên” khu vực HTX. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ tạo động lực phục hồi tốt cho khu vực kinh tế HTX trong giai đoạn đầy thách thức này.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.