Hôm nay (20/5), kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV khai mạc. Một trong những nội dung chính của ngày làm việc đầu tiên là việc thảo luận và tiến tới phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Theo quy trình, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định trước khi hoàn tất quá trình phê chuẩn. Sau đó, Việt Nam và EU sẽ chính thức xác nhận về thời điểm Hiệp định có hiệu lực thông qua kênh ngoại giao.
Dự kiến, Hiệp định có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ 2 kể từ khi có Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội và văn bản trao đổi qua kênh ngoại giao. Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán với EU để Hiệp định có hiệu lực vào thời gian sớm nhất. Trường hợp Quốc hội ban hành Nghị quyết vào cuối tháng này thì hai bên sẽ xác nhận ngày có hiệu lực sau đó khoảng 2 tháng.
Bộ KH&ĐT cho rằng những ngành có thể tận dụng sớm những cơ hội từ EVFTA là dệt may, giày dép, nông sản, đặc biệt là sản phẩm nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, thủy sản... Theo đó, việc thực thi Hiệp định trong 5 năm đầu có thể đóp góp thêm vào tăng trưởng GDP của nền kinh tế cao nhất khoảng 3,25%, tương đương 0,5 điểm phần trăm GDP/năm.
Quốc hội thảo luận, phê chuẩn EVFTA hôm nay (Ảnh Internet) |
“Đây là tác động lớn hơn nhiều so với tất cả các FTA trước đây mà Việt Nam đã tham gia, kể cả so với Hiệp định CPTPP mà Quốc hội phê chuẩn trước đây”, báo cáo Bộ KH&ĐT nêu. Để những con số dự báo trên trở thành tăng trưởng thực sự của nền kinh tế cần quyết tâm cải cách mang tính chủ động là yếu tố tiên quyết.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho biết trong báo cáo giải trình mà Chính phủ đã trình Quốc hội nhằm đảm bảo việc thực thi Hiệp định có hiệu quả tập trung vào 2 nội dung chính. Trước tiên là những vấn đề pháp lý cần xử lý để hoàn thành nghĩa vụ trong Hiệp định và những chương trình, hoạt động cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện để doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội mà Hiệp định mang lại.
Theo ông Thái, Hiệp định được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó tăng cường thúc đẩy thương mại, đầu tư và hình thành chuỗi cung ứng mới. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới đã thay đổi rất nhiều và rất nhanh so với trước đây, việc thực thi EVFTA đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có cách tiếp cận mới và phù hợp với hoàn cảnh mới. Có như vậy mới tận dụng được cơ hội mà FTA thế hệ mới mang lại.
Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến nhiều nước trên thế giới ưu tiên nâng cao nội lực để tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, ngay cả khi xu hướng đó gia tăng thì EVFTA vẫn giữ được vị thế của mình.
Trước đây, khi đại dịch chưa xảy ra, các nước đã đặt vấn đề về việc nội lực đóng vai trò quyết định. Nhưng để tận dụng được nội lực thì còn phải tận dụng được cơ hội mà ngoại lực đem lại. Hiện, không nền kinh tế nào có thể đứng độc lập. Điều này thúc đẩy việc thiết kế lại chuỗi cung ứng hiện tại thay vì chấm dứt hoàn toàn việc các nước phụ thuộc lẫn nhau về chuỗi cung ứng. Nói cách khác, sự phụ thuộc lẫn nhau là xu thế không thể đảo ngược.
Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Trong đó, có nội dung về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển kinh tế - xã hội.
Vũ Trọng