Việc Bộ Công an bắt giữ ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc Thuduc House (từng là một DN bất động sản có tầm cỡ ở Tp.HCM) cùng một số lãnh đạo trong công ty này với cáo buộc lập hồ sơ hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) khống chiếm đoạt gần 366 tỷ đồng, là điều mà dư luận đã lường trước.
Chiêu thức tinh vi
Hồi tháng 3/2021, VnBusiness có bài viết “Hệ lụy xấu cho doanh nghiệp gian lận thuế” đề cập việc Tổng cục Thuế đã nêu cụ thể trường hợp Thuduc House và 70 DN khác có liên quan đến hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT với số tiền nhiều tỷ đồng.
Việc nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu để lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT có những chiêu thức ngày càng tinh vi hơn trước. |
Còn trước đó, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, phía Thuduc House đã lập 501 tờ khai xuất khẩu (XK) linh kiện điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông với giá trị tính thuế gần 5.286 tỉ đồng, trong thời gian từ tháng 2/2017 đến tháng 8/2019.
Đáng lưu ý là hàng mua từ đối tác trong nước được Thuduc House XK cho các đối tác nước ngoài, không trải qua bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Sau khi hoàn tất thủ tục XK, DN này đã làm thủ tục hoàn thuế GTGT tại Cục Thuế Tp.HCM và được hoàn thuế 17 lần, với số tiền hơn 260,97 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 2/2018 đến tháng 8/2019.
Không những vậy, kết quả xác minh cho thấy phần lớn DN bán hàng cho Thuduc House đều không có tại địa chỉ đăng ký, thường xuyên thay đổi thông tin về địa chỉ trụ sở chính, thông tin về chủ DN. Xác minh tại Hải quan Hồng Kông cho biết 3 lô hàng XK không được nhập khẩu vào Hồng Kông.
Từ nhiều thông tin xác minh thêm đã cho thấy, chiêu thức lừa đảo của DN nêu trên mấu chốt là “XK giả và hoàn thuế thật”. Đây cũng là vấn đề báo động trong thời gian qua khi những DN làm ăn bất chính lợi dụng kẽ hở trong chính sách hoàn thuế GTGT.
Theo đó, một số tổ chức, cá nhân thực hiện thành lập một chuỗi các DN không có thật và DN có thật, rồi nâng khống giá trị hàng hóa thông qua vài DN lớn có thương hiệu thực hiện đứng tên hộ trên hợp đồng và các hồ sơ XK để được hưởng thù lao. Sau cùng là lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT.
Chiêu thức tinh vi ở chỗ hồ sơ hoàn thuế GTGT đều đáp ứng các điều kiện của pháp luật, nhưng bản chất thì chứa đựng các giao dịch giả tạo để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng trong một thời gian ngắn.
Với các giao dịch thanh toán giả tạo như trên, tiền từ phía nước ngoài chuyển về và tiền thuế GTGT được hoàn thông qua công ty lớn có thương hiệu (thực hiện đứng tên hộ trên hồ sơ XK hưởng thù lao), sau đó chuyển qua các công ty F2 (công ty con của công ty đứng tên hộ trên hồ sơ XK hưởng thù lao).
Vẫn chờ bịt các kẽ hở
Sau đó, tiếp tục chuyển sang các công ty F3 (công ty bình phong của đường dây chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT), và tiếp tục chuyển sang các công ty F4, F5 là những công ty không có thật và cuối cùng một số cá nhân rút tiền ra khỏi ngân hàng hoặc chuyển vào tài khoản cá nhân khác.
Cần nhắc lại, hồi tháng 5/2021, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu các cục thuế rà soát toàn bộ hồ sơ hoàn thuế cho mặt hàng gỗ dăm, viên nén gỗ thành phẩm, linh kiện điện tử, máy tính, bún, phở, cà phê... để phân loại và thanh kiểm tra hoàn thuế ngay với hồ sơ có rủi ro.
Tổng cục Thuế cũng lưu ý, trường hợp qua thanh tra, kiểm tra xác định công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế thì phải thu thập, củng cố đầy đủ hồ sơ pháp lý để chuyển thông tin và các dấu hiệu vi phạm đến cơ quan công an.
Đơn cử như đối với các công ty kinh doanh gỗ dăm có rủi ro cao, cơ quan thuế từng phối hợp với cơ quan công an đã thực hiện xác minh tới tận người trồng rừng để xác định có phát sinh mua bán trực tiếp gỗ để sản xuất dăm hay không, qua đó xác định điều tra trên cơ sở bảng kê đơn vị xuất trình.
Kết quả xác minh thực tế từ một số công ty cho thấy, người trồng rừng không bán hàng cho các công ty này. Nhờ đó mới xác định công ty có hành vi lập hồ sơ, chứng từ để hợp thức hóa cho việc thu mua gỗ ván bóc và gỗ tròn của hộ kinh doanh không phải là người trồng rừng bán ra.
Ngoài ra, hồi tháng 7 năm nay Tổng cục Thuế ban hành văn bản số 2838/TCT-KTNB về việc chấn chỉnh, kiểm tra, rà soát, có biện pháp phòng ngừa xử lý đối với người nộp thuế có rủi ro về hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Trong đó, có lưu ý cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nâng cao năng lực kiểm tra, phát hiện DN có dấu hiệu trong việc lập, sử dụng chứng từ khống khi mua, bán nguyên liệu, hàng hóa.
Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh những DN “xuất khẩu ảo hoàn thuế thật” nằm ở khâu chính sách thuế thiếu chặt chẽ rất cần tiếp tục bịt các kẽ hở.
Mặt khác, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn thủ tục thuế và các văn bản pháp luật còn rắc rối, nên khi phát hiện DN lừa chiếm đoạt tiền hoàn thuế thì mọi chuyện đã rồi, trong khi đó các khâu xử lý liên quan đến phía DN sai phạm vẫn khá chậm so với mong đợi.
Thế Vinh