Các sản phẩm nông, thủy sản từ Việt Nam xuất khẩu (XK) ra thế giới với số lượng ngày càng nhiều, vì vậy truy xuất nguồn gốc là yếu tố nền tảng để tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn, từ đó hình thành sự an tâm, tin tưởng và trung thành của khách hàng nhập khẩu với các sản phẩm và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp (DN).
Bán rẻ vì không "lý lịch"
Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn nông sản Việt Nam XK ra nước ngoài vẫn chưa đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Bà Nguyễn Thị Thu Thắm, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), cho biết sầu riêng Đạ Huoai có những ưu điểm vượt trội về mùi vị, nhưng phần lớn sản phẩm vẫn XK tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc với giá cả bấp bênh.
Trong khi đó, sầu riêng của Malaysia được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng vì họ triển khai truy xuất nguồn gốc rất tốt, thậm chí tem truy xuất giúp khách hàng biết được quả sầu riêng đó được sinh ra từ cây có "tuổi đời" bao lâu…
Hiện nay, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai đang triển khai dự án truy xuất nguồn gốc sầu riêng 4.0, nhưng vận động nông dân tham gia rất khó khăn. Hiện tại mới chỉ có 150ha trong tổng số 2.400ha diện tích sầu riêng đăng ký tham gia.
"Người nông dân tham gia truy xuất chỉ phải bỏ ra khoảng 1.000 đồng cho một tem truy xuất để dán trên sản phẩm nhưng giá trị thu về gấp nhiều lần. Đơn cử hiện nay, không có tem truy xuất nguồn gốc, sầu riêng chỉ bán được cho thương lái Trung Quốc với giá 50.000 – 55.000 đồng/kg, trong khi quả sầu riêng có tem truy xuất nếu bán ở thị trường Hà Nội đã lên tới 160.000 – 180.000 đồng/kg, chưa nói tới XK", bà Thắm ước tính.
Hiện nay, đối với nhiều thị trường XK, sản phẩm phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc đang là một yêu cầu bắt buộc.
Bà Amy Guihot, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Australia, cho biết thị trường này yêu cầu các DN chế biến truy xuất nguồn gốc phải xác định được nguồn gốc của tất cả nguyên liệu đầu vào của thực phẩm như nguyên liệu, chất phụ gia, các thành phần khác, quy cách đóng gói. Cùng với đó là tên và địa chỉ của nhà cung cấp, tên và địa chỉ khách hàng, ngày giao dịch và giao hàng, chi tiết lô hàng, khối lượng và số lượng của sản phẩm khi giao hàng và bất kỳ hồ sơ sản xuất nào khác có liên quan.
Hàng ngoại đắt gấp nhiều lần hàng Việt nhưng người tiêu dùng vẫn ưa chuộng vì sản phẩm dễ dàng truy xuất nguồn gốc |
"Siết" điều kiện hành nghề truy xuất
Với thị trường trong nước, thiếu tem truy xuất nguồn gốc đang là bất lợi của hàng Việt trên chính "sân nhà".
Ông Lê Đại Dương, Tổng Giám đốc công ty iShopgo, cho biết sở dĩ nhiều người Việt tin tưởng dùng hàng ngoại hơn hàng nội vì dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Một trái dưa lưới nước ngoài đắt gấp 10 lần dưa Việt Nam nhưng người Việt vẫn ưa chuộng dù chất lượng, hương vị giống nhau, thậm chí hàng Việt ngon hơn.
Vì vậy, Bộ Công Thương cần đưa truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bắt buộc với hàng hoá lưu hành trong nước cũng như xuất nhập khẩu.
Trong bối cảnh nhiều đơn vị làm truy xuất nguồn gốc nhưng thực chất chỉ là việc truy cập thông tin, kiểm tra hàng hóa xem đơn vị nào sản xuất, địa chỉ ở đâu, các chuyên gia và DN cho rằng cơ quan chức năng cần ra quy định yêu cầu bắt buộc truy xuất nguồn gốc phải được thực hiện theo quy định và quy trình chứ không phải làm theo kiểu tràn lan.
"Hiện tại, do một số đơn vị làm không chuẩn quy trình truy xuất nguồn gốc nên ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng. Vì vậy, cần có quy định bắt buộc đơn vị nào đảm bảo truy xuất nguồn gốc mới được phát hành tem truy xuất nguồn gốc, tránh tình trạng ai thích thì làm như hiện nay", ông Dương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao Tp.HCM, cho rằng các cơ quan quản lý cần quy định rõ các yêu cầu kỹ thuật, điều kiện hành nghề cho các công ty cung cấp dịch vụ truy xuất nguồn gốc, tránh tình trạng người tiêu dùng mất lòng tin về hoạt động truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, khuyến khích các công ty áp dụng các tiêu chí kỹ thuật của các nước nhập khẩu… để tạo lợi thế cho hàng Việt Nam khi XK.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cần nhanh chóng yêu cầu hàng ngoại lưu hành cũng phải áp dụng truy xuất nguồn gốc để bảo vệ thị trường trong nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Công Thừa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Anh Dao Co.op), hàng Việt Nam cần phải xây dựng hệ thống chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Tuy nhiên, để xây dựng chắc chắn sẽ gặp khó khăn về vốn, công nghệ…, các DN trong vùng nên liên kết lại với nhau thông qua các hiệp hội, từ đó giải quyết các khó khăn này.
Đồng thời, Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ cho DN. Có như vậy hàng Việt mới khẳng định với thị trường thế giới là sản phẩm có chất lượng tốt và đáp ứng được những tiêu chuẩn mà thị trường nhập khẩu đưa ra.
Đặc biệt, nếu làm được như trên, DN có thể kiến nghị lên cơ quan quản lý về các hàng rào thương mại bảo vệ hàng Việt mà không trái với quy định của quốc tế.
"Như vừa qua, Trung Quốc truy xuất lý lịch trái cây Việt nhưng Việt Nam lại không thể làm điều này với trái cây từ nước họ. Các DN trong nước cũng "ấm ức" lắm nhưng suy cho cùng thì kiểm soát về chất lượng trái cây, bao gồm từ khâu trồng, chăm sóc cho tới thu hoạch, bảo quản của chúng ta vẫn chưa được hoàn thiện", ông Thừa chia sẻ.
Lê Thúy
Ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương Cách đây ít năm, khái niệm truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thương mại còn xa lạ. Hiện nay, các thị trường từ khó tính như EU, Mỹ, Australia đến dễ tính đều đưa ra yêu cầu rất ngặt nghèo về truy xuất nguồn gốc trong cả sản xuất và thương mại. Muốn đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, đầu tiên là thay đổi tư duy quản lý nhà nước, DN, người tạo ra sản phẩm cho ngành hàng XK. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương Truy xuất nguồn gốc hàng hóa là yêu cầu bắt buộc mà DN phải nhanh chóng nắm bắt và thực hiện. Truy xuất nguồn gốc thực chất không phải theo "mốt", mà giúp gia tăng giá trị hàng hóa tại thị trường trong nước và XK, tạo sức cạnh tranh so với hàng hóa nước ngoài. Ông Lê Đại Dương - Tổng Giám đốc công ty iShopgo Việt Nam đang đi sau nhiều nước trong việc triển khai truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Truy xuất nguồn gốc sẽ giúp hàng Việt Nam gia tăng giá trị XK sang nước khác. Trong khi đó, thực trạng thực phẩm bẩn hoành hành nhức nhối ở thị trường trong nước đang đặt ra yêu cầu bức thiết cần ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc để theo dõi toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm đó. |