Từ cuối năm 2017, tại một số tỉnh thành, mã vạch, mã QR code… đã được nhiều HTX thực hiện dán trên một số sản phẩm nông sản. Thị trường tiêu dùng khó tính đang đánh giá rất cao việc minh bạch hóa "lý lịch" sản phẩm bằng hình thức này.
Minh bạch sản phẩm bằng công nghệ
Ngày 6/11/2017, sản phẩm tinh bột nghệ của HTX Nông nghiệp tinh bột nghệ miền Tây Nghệ An (xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) đã được dán mã vạch. Chỉ với một phần mềm ứng dụng trên điện thoại, khách hàng hoàn toàn truy xuất dễ dàng về nguồn gốc sản phẩm này như thế nào. Từ đây, sản phẩm tinh bột nghệ của HTX đã có "chứng minh thư", được minh bạch nguồn gốc - một khâu quan trọng để nâng cao thương hiệu sản phẩm.
Bà Phạm Thị Kim Hiên - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp tinh bột nghệ miền Tây Nghệ An, cho biết: Giai đoạn đầu, sản phẩm tinh bột nghệ chỉ đóng gói trong các bao bóng rồi xuất bán, nên người tiêu dùng còn e dè. Không những thế, mình muốn giới thiệu sản phẩm ở các cửa hàng, siêu thị… để mở rộng thị trường cũng dễ dàng hơn. Cũng theo bà Hiên, HTX làm ăn thật, muốn gây dựng thương hiệu… nên mới đầu tư để được cấp chứng nhận mã vạch.
Thuộc tốp "sinh sau đẻ muộn", thế nhưng, Ban quản lý HTX Nông nghiệp thanh niên Thanh Chương (huyện Thanh Chương) lại bắt nhịp nhanh với thời cuộc để cho ra đời các sản phẩm an toàn, sạch và quan trọng hơn là khách có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm bất cứ lúc nào, trạng thái sản phẩm ra sao, bằng ứng dụng Blockchain. Thành lập cuối năm 2017, quy trình sản xuất kinh doanh của HTX được kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra. Ngoài thực hiện nghiêm quy trình sản xuất, HTX đã xây dựng được cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm ở Tp.Vinh.
Ông Hoàng Bằng - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp thanh niên Thanh Chương, chia sẻ: HTX đang hoàn thiện hồ sơ và khoảng tháng 10/2018 sẽ đưa vào ứng dụng phần mềm Blockchain cho hai sản phẩm gà và cam. Đây là phần mềm giúp khách hàng không chỉ truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở mọi thời điểm và ở bất cứ đâu, cao hơn so với mã QR code. "Mình làm ăn đàng hoàng, để giữ chữ tín và thương hiệu thì sợ gì người khác kiểm tra, theo dõi mà không công khai, minh bạch sản phẩm", ông Bằng không ngần ngại khẳng định.
Thị trường ngày càng khó tính đối với nguồn gốc các loại sản phẩm nông sản. Nắm bắt xu thế này, nhiều HTX ở các vùng miền khác cũng đã bắt đầu tiệm cận với việc công khai, minh bạch quy trình sản xuất thông qua mã vạch, mã QR code, ứng dụng Blockchain… như một cách để tìm chỗ đứng trên thương trường.
Ra đời năm 2010, luôn trăn trở với bài toán rau hữu cơ nhưng "thật giả lẫn lộn" đã bắt buộc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Hà (Thạch Hà, Hà Tĩnh) phải đi theo con đường riêng của mình để ổn định sản xuất, giữ vững thương hiệu.
Nâng tầm sản phẩm
Ông Nguyễn Viết Sơn - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Hà, thông tin: "Mình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ nhưng người tiêu dùng e ngại vì họ chưa tin. HTX tổ chức dán tem QR code từ 14/6/2018 cũng chỉ muốn "níu" chân khách hàng bằng cách làm ăn chân chính, đàng hoàng. Tất cả quy trình, nguồn gốc sản phẩm rau của HTX được minh bạch qua mã tem QR code nên các thành viên cảm thấy rất phấn chấn".
Với việc công khai, minh bạch sản phẩm HTX thông qua mã vạch, mã QR code, ứng dụng Blockchain… đã góp phần nâng cao thương hiệu, uy tín sản phẩm trong lòng người tiêu dùng. Và, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể kểm tra được xuất xứ sản phẩm. Những thông tin trên bao bì như: Cơ sở sản xuất, lịch sử canh tác, sơ chế đóng gói, hạn sử dụng đều được hiển thị đầy đủ.
Ông Nguyễn Viết Sơn - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Hoàng Hà, hồ hởi: "Mấy năm đầu sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ nhưng tâm lý người tiêu dùng còn e ngại và chúng tôi cũng rất khó khăn trong giới thiệu, quảng bá, thuyết phục khách hàng tin dùng sản phẩm. Khi sử dụng tem QR code, mình bán hàng cũng tự tin hơn. Việc tạo mã QR code và dán lên sản phẩm không khó, cái khó là sản phẩm đó phải đạt chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Về điều này thì chúng tôi tự tin vì HTX "làm chắc ăn chắc".
Việc các HTX ứng dụng công nghệ để minh bạch "lý lịch" sản phẩm sẽ nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, xây dựng thêm sự uy tín của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Để được dán QR code, mã vạch, Blockchain… bắt buộc các HTX phải đầu tư để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản, phải liên kết chặt chẽ, ghi chép và lưu trữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh Ngô Xuân Hồng và Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình Ngô Gia Thởi đều khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc các HTX minh bạch sản phẩm bằng mã vạch, mã QR code. Ông Hồng và ông Thởi đều đồng thuận: "Từ những sản phẩm đã được dán mã QR code minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ; tôi thấy thương hiệu sản phẩm nâng cao hơn và chắc chắn sẽ có chỗ đứng trên thị trường. Địa phương đang tích cực hỗ trợ, phối hợp để giúp các HTX đủ điều kiện dán mã vạch, mã QR code cho các sản phẩm".
Tem QR code đã được dán lên sản phẩm của HTX nông nghiệp Hoàng Hà |
Còn nhiều thách thức
Việc dán mã vạch, mã QR code đã và đang giúp cho khách hàng, cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý cùng có lợi. Người tiêu dùng sẽ lựa chọn được sản phẩm đạt chất lượng trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái đang tràn lan trên thị trường như hiện nay. Còn các HTX, sẽ nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, xây dựng thêm sự uy tín của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ dễ dàng hơn trong công tác quản lý thị trường.
Nhưng, thực hiện minh bạch "lý lịch" sản phẩm bằng các hình thức này còn đang "vấp" phải rất nhiều khó khăn, thách thức khiến các HTX vẫn chưa mặn mà. Trước hết, việc sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc thông tin sản phẩm hầu như chưa được khách hàng quan tâm. Thậm chí, có người không biết kiểm chứng mã vạch, tem QR code như thế nào cho đúng… nên e ngại. Chưa kể, nhiều người tiêu dùng dù sử dụng điện thoại thông minh nhưng lại không kết nối mạng, hoặc có kết nối mạng nhưng lại không biết cách truy xuất nguồn gốc. Trong khi tại các điểm có bán hàng dán mã vạch, tem QR code lại hầu như không có một hướng dẫn nào để người tiêu dùng ứng dụng công nghệ để kiểm chứng.
Mặt khác, tại các cơ sở sản xuất vẫn đang còn nhiều vấn đề nảy sinh khi triển khai thực hiện mã vạch, dán tem QR code. Chẳng hạn, để dán tem QR code, các cơ sở sản xuất phải ghi nhật ký số liệu bằng tay, sau đó nhập lên máy tính. Đến ngày thu hoạch, các cơ sở lại phải nhập lại vào chương trình truy xuất, mất khá nhiều thời gian. Trong khi đó, trình độ người sản xuất còn hạn chế, nên ghi nhật ký sản xuất chưa rõ ràng...
Từ những thực tế trên, đang khiến cho số lượng sản phẩm HTX được dán tem QR code, mã vạch còn khá khiêm tốn. Ông Nguyễn Đình Trưng - Trưởng phòng Phát triển HTX (Liên minh HTX tỉnh Nghệ An), chia sẻ: "Nhận thức của người sản xuất chưa cao. Ai nhanh nhạy, sống chết với thị trường thì làm mã vạch, dán tem QR code còn không thì thôi. Các HTX đang mày mò tự làm, chưa có diễn đàn lớn để tuyên truyền. Ngoài ra cũng do nhiều HTX sợ tốn tiền, chưa hiểu đầy đủ, thiếu quan tâm. Hiện số lượng sản phẩm dán ten QR code, mã vạch vẫn chưa nhiều".
"Thực tế là do nhận thức, việc tuyên truyền của các cấp, các ngành chưa đầy đủ. Không có nơi nào hướng dẫn người dân thực hiện mã vạch, dán QR code, trong khi Liên minh HTX tỉnh tập huấn cũng chưa nhiều", Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh Ngô Xuân Hồng nói thêm.
Thanh Hải